Hoàng Thị Kim Lý

Thừa kế quyền sử dụng đất và điều kiện di chúc hợp pháp

Xin luật sư cho tôi biết về việc phân chia tài sản thừa kế là quyền sử dụng đất đai và điều kiện có hiệu lực của di chúc như sau: Bố chồng tôi được phân ba căn hộ nhưng ông đã mất và mẹ tôi làm sổ đỏ đứng tên ba căn hộ, sau đấy mẹ tôi bán đi một căn hộ và cho hai cô con gái mỗi người mười triệu ( bố mẹ tôi có ba người con) tại thời điểm 199x còn chồng tôi ko có gì ( lúc đó mẹ tôi ghi vào sổ lịch và tôi ko còn quyển đó nữa).

 

Vợ chồng tôi ở cùng mẹ và đóng góp sửa nhà cửa mất hai cây vàng và nhiều lần sửa khác nữa mỗi lần một hai triệu, đến giờ nhà tôi xây dựng lại thành nhà tái định cư và mẹ chồng tôi cho chồng tôi một căn hộ nhỏ còn mẹ tôi một căn hộ lớn và thêm một kiot nữa. Bây giờ mẹ tôi cho hai con gái một kiot và nhà mẹ tôi thì chia làm ba phần, nhưng chồng tôi ko đồng ý vì trước kia mẹ tôi đã chia cho hai cô con gái và lại cho kiot nữa, mẹ tôi muốn làm di chúc chia làm ba phần của nhà mẹ tôi và muốn ba người con cùng ký vào để bản di chúc hợp pháp khi mọi người con đều đồng thuận. Nhưng chồng tôi ko ký và chỉ muốn mẹ tôi chia ra làm bốn phần vì chồng tôi nói là để một phần cho cháu trai sau này có trách nhiệm thờ ông bà. Vậy chồng tôi ko ký thì văn bản di chúc có hợp lý ko? Và nếu mẹ tôi cho hai cô con gái và chồng tôi có quyền đòi hỏi ko? Hiện giò vợ chồng tôi đang sống cùng mẹ tôi nếu mẹ tôi có bán tôi không đồng ý cho bán căn hộ này có được ko? Vì chồng tôi muốn để làm nơi thờ cúng bố mẹ sau này.Tôi xin được cảm ơn.

 

Trả lời:

 

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, công ty tư vấn như sau:

 

Căn cứ theo thông tin bạn đưa ra thì bố chồng bạn được phân ba căn hộ, giờ bố chồng bạn đã mất và hiện tại mẹ chồng bạn đang đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên bạn cần xác định rõ thời điểm bố chồng bạn được phân 3 căn hộ là khi nào? Trước khi bố mẹ chồng bạn đăng ký kết hôn hay sau thời điểm đăng ký kết hôn? Vì bạn cung cấp thông tin không cụ thể, do đó có các trường hợp xảy ra như sau:

 

Trường hợp thứ nhất,3 căn hộ là tài sản chung của bố mẹ chồng bạn:

 

Theo quy định tại khoản tại Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình 2014 có quy định:

 

“Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng”.

 

Như vậy, nếu ba căn hộ bố chồng bạn được cấp sau khi đã kết hôn thì được coi là tài sản chung của vợ chồng, dù chỉ do một người đứng tên trên giấy chứng nhận. Về nguyên tắc tài sản hình thành trong thời kì hôn nhân sẽ được chia đôi, tức là bố bạn và mẹ bạn có quyền ngang nhau và mỗi người có quyền sở hữu ½ giá trị 3 căn hộ.

 

+ Nếu bố chồng bạn mất đi mà để lại di chúc thì việc chia di sản thừa kế của bố chồng bạn sẽ thực hiện theo di chúc. Nếu bố chồng bạn mất không để lại di chúc thì tài sản của bố chồng bạn (bao gồm một nửa giá trị ba căn hộ) sẽ được chia thừa kế theo quy định pháp luật. Những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết và mỗi người sẽ được hưởng một phần di sản thừa kế bằng nhau. Tức là: ông bà của chồng bạn (nếu có), mẹ chồng bạn, chồng bạn và chị em của chồng bạn mỗi người sẽ được một phần tài sản bằng nhau. Mẹ chồng bạn không có quyền định đoạt toàn bộ giá trị ba căn hộ mà chỉ định đoạt ½ giá trị 3 căn hộ cùng phần tài sản có được do nhận thừa kế (trừ trường hợp những người thừa kế khác từ chối nhận di sản thừa kế/ thỏa thuận đồng ý tặng cho mẹ chồng bạn toàn bộ phần di sản thừa kế của bố chồng bạn).

 

+ Nếu bố chồng bạn mất không có di chúc nhưng trước đó đã có thỏa thuận cho mẹ chồng bạn ba căn hộ làm tài sản riêng và để mẹ chồng bạn đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu:

 

Khi bố bạn đã để lại toàn bộ giá trị ba căn hộ cho mẹ bạn thì mẹ bạn lúc này chính là chủ sở hữu duy nhất của ba căn hộ và mẹ chồng bạn có đủ ba quyền: chiếm hữu, sử dụng và định đoạt với ba căn hộ trên. Việc mẹ chồng bạn bán hay tặng cho ai hoàn toàn là quyền của mẹ bạn. Mẹ bạn hoàn toàn có quyền lập di chúc để tự định đoạt tài sản thuộc sở hữu của mình mà không cần phải có sự đồng ý của các con. Điều 630 Bộ luật dân sự 2015 quy định về di chúc hợp pháp như sau:

 

“1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

 

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

 

b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

 

2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

 

3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

 

4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.

 

5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.”

 

Như đã phân tích ở phía trên, nếu ba căn hộ trên thuộc sở hữu của mẹ chồng bạn thì mẹ chồng bạn có toàn quyền quyết định đối với số tài sản đó nhưng không trái quy định của pháp luật. Chồng bạn không có quyền can thiệp đến quyết định bán hoặc tặng, cho tài sản của mẹ chồng bạn.

 

Trường hợp thứ hai, 3 căn hộ là tài sản riêng của bố chồng bạn:

 

Nếu có căn cứ chứng minh 3 căn hộ này là tài sản riêng của bố chồng bạn thì bạn phải xem xét căn cứ để mẹ chồng bạn được cấp GCN là gì? Việc mẹ chồng bạn được tên trên GCN có hợp pháp không?Trường hợp đây là tài sản riêng của bố chồng bạn và việc mẹ chồng bạn được cấp GCN là không có cơ sở hợp pháp thì khi bố chồng bạn mất đi không để lại di chúc, 3 căn hộ sẽ được coi là di sản thừa kế và chia đều cho những người cùng hàng thừa kế. Tức là: ông bà của chồng bạn (nếu có), mẹ chồng bạn, chồng bạn và chị em của chồng bạn mỗi người sẽ được một phần tài sản bằng nhau. Mẹ chồng bạn chỉ được quyền lập di chúc trong phần tài sản được nhận thừa kế chứ không có quyền định đoạt toàn bộ giá trị 3 căn hộ này.

 

Như vậy, nếu mẹ chồng bạn tự ý định đoạt toàn bộ 3 căn hộ trong trường hợp mẹ chồng bạn không có quyền thì chồng bạn có thể gửi đơn khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu phân chia di sản thừa kế

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Thừa kế quyền sử dụng đất và điều kiện di chúc hợp pháp. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV: Thùy Dương - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo