Nguyễn Văn Cảnh

Hỏi về trường hợp thừa kế không có di chúc

Gia đình tôi có một mảnh đất do cụ cố để lại (văn tự mua bán đất năm 1901 bằng chữ Nho do Cộng hòa Pháp chứng thực. Tường trình gia phả liên quan đến mảnh đất này như sau

1-Cụ cố tôi có một người con duy nhất là cụ tôi. 2-Cụ tôi có 6 người con cả trai lẫn gái, ông nội tôi là anh cả. 3-Ông nội tôi lấy bà nội tôi được hơn một năm thì chết đột tử (năm 1940), lúc này bố tôi được 6 tháng tuổi. 4-Bà nội tôi đi bước nữa vài tháng sau khi ông nội tôi mất và có lần lượt 6 người con cả trai lẫn gái. 5-Năm 1966 bố mẹ tôi lấy nhau, năm 1967 thì cụ tôi về địa phương xin lấy lại mảnh đất này cho bố mẹ tôi và bà nội tôi ở (vì đi tản cư chiến tranh nên mảnh đất có một thời gian không sử dụng). 6-Năm 1971 cụ tôi về mang theo giấy tờ đất bản gốc này và bản khai sinh họ gốc của bố tôi trao cho bố mẹ tôi trước sự chứng kiến của bà nội tôi, ông dượng tôi và một bà cô là em của ông nội tôi (bố tôi từ nhỏ được bà nội tôi khai lấy họ của ông dượng, cụ tôi sợ bố tôi mất họ gốc nên đã khai họ gốc cho bố tôi từ rất sớm và bản khai sinh này cũng do chính quyền PHÁP chứng thực). 7-Năm 1980 bố mẹ tôi có xây một căn nhà trên một phần tư diện tích đất, năm 1981 do điều động của Bộ Vật Tư bố mẹ tôi vào tp HCM công tác và đã bán căn nhà này (giấy tờ gốc mảnh đất bố mẹ tôi mang theo ). Mảnh đất còn lại ba phần tư để cho bà nội tôi và hai người em út cùng mẹ khác cha với bố tôi ở. 8-Năm 1986 bà nội tôi khai với UB xã làm hồ sơ địa chính là bà nội tôi về xin sử dụng thửa đất này năm 1967, bà nội tôi không khai với địa phương mảnh đất này là di sản thừa kế của người chồng trước đồng thời cũng không khai bố tôi là con riêng của bà đã ở cùng với bà từ năm 1967 trên mảnh đất này.

 Năm 1992 bà nội tôi cho ba người con riêng xin giấy phép xây dựng toàn bộ diện tích đất còn lại. Những việc làm trên bố mẹ tôi ở tp HCM không biết gì. 9- Cuối năm 1992 bố tôi mất do nhồi máu cơ tim, đến năm 1995 thì bà nội tôi cũng mất. Ngay sau đó mảnh đất này bị tranh chấp bởi mẹ con tôi và các bà cô là em của ông nội tôi kiện các chú con riêng của bà nội làm sai lệch hồ sơ gốc để hợp pháp hóa việc xây dựng nhà. Suốt thời gian từ đó đến nay mẹ con tôi thỉnh thoảng có gửi đơn ra địa phương nhằm để duy trì tình trang tranh chấp đồng thời tìm hiểu luật pháp, chờ cơ hội có thời gian, tiền bạc... đưa ra tòa án phân chia theo pháp luật. Vậy tôi xi hỏi những vấn đề sau: 1-Việc Cụ tôi trao giấy tờ gốc cho bố mẹ tôi và ở ổn định không có tranh chấp từ các phía trong một thời gian nhất định như trên đã đủ để xét chủ quyền thuộc về bố mẹ tôi hay chưa ? 2- Việc bà nội tôi tự đứng ra làm hồ sơ địa chính và các con riêng của bà xin giấy phép xây dựng có đúng luật pháp hay không ? 3-Các bà cô là em của ông nội tôi có còn thời hiệu khởi kiện đòi thừa kế không ? 4-Mảnh đất này phân chia như thế nào thì đúng pháp luật ? Chân thành cảm ơn.

 

Trả lời: Cám ơn anh (chị) đã gửi câu hỏi về cho Công ty luật Minh Gia. Trường hợp  của anh (chị), chúng tôi xin được tư vấn như sau:

 

1. Về quyền sở hữu đối với quyền sử dụng đất.

        

Theo những thông tin bạn chia sẻ,  quyền sở hữu mảnh đất thuộc về cụ bạn. Đây là tài sản của cụ bạn. Vậy nên, cụ có toàn quyền quyết định với tài sản của mình. Tuy nhiên việc tặng cho bất động sản phải bắt buộc được lập thành văn bản và có công chứng, chứng thực theo Điều 167 Luật đất đai 2013 quy định về Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất như sau:
 
 

“....
3. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:


 

a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng  thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này”.

 

Do vậy, việc cụ bạn bằng hành vi trao lại giấy tờ gốc của mảnh  đất trên cho bố mẹ bạn trước sự chứng kiến của vài người là không đúng pháp luật.

 

Bên cạnh đó, căn cứ vào theo quy định tại khoản 1 Điều 247 Bộ luật Dân sự: “Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu”.

 

Thời gian bố mẹ bản quản lí và chiếm hữu mảnh đất trên 10 năm (từ năm 1971 đến 1981), chưa đủ 30 năm. Vậy nên, theo quy định pháp luật, bố mẹ bạn chưa đủ điều kiện để sở hữu quyền sử dụng đất với mảnh đất trên một cách hợp pháp.

 

2. Thủ tục đăng kí đất đai.

 

Vì cụ bạn mất mà không  để lại di chúc nên di sản thừa kế của cụ bạn là quyền sử dụng mảnh đất trên sẽ được chia theo pháp luật căn cứ theo Điều 675 BLDS 2005

 

“1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong những trường hợp sau đây:

a) Không có di chúc;

...”

 

Do đó việc bà nội bạn đứng ra làm hồ sơ địa chính và các anh, chị em con riêng của bà bạn xin giấy xây dựng trên mảnh đất đó là trái pháp luật.

 

3. Vấn đề thừa kế.

 

Các bà cô em  ông nội của bạn chỉ có quyền yêu cầu khởi kiện đối  với quyền sử dụng mảnh đất này với tư cách là con của cụ bạn. Tuy nhiên bạn không nói rõ thời gian mà cụ mất vậy nên chúng tôi không thể đưa ra phương án chính xác. Tuy nhiên, căn cứ  theo khoản 1 Điều 645, BLDS 2005, thời hiệu khởi kiện về thừa kế:“Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình, hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế”. Vì cụ bạn mất mà không có di chúc nên thời hiệu khởi kiện sẽ tính từ thời điểm cụ bạn mất.

 

Nếu cụ bạn mất chưa quá 10 năm thì các bà cô em ông nội bạn vẫn có quyền khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế.

 

Nếu cụ bạn mất đã quá 10 năm, hết thời hiệu khởi kiện, thì coi như các bà cô em ông nội của bạn đã từ bỏ quyền thừa kế của mình. Do vậy, họ không có quyền yêu cầu khởi kiện chia di sản thừa kế.

 

Chia di sản thừa kế.

 

Nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn, di sản sẽ được chia theo pháp luật căn cứ vào Điều 676 BLDS 2005 được quy định theo thứ tự sau đây:

 

"a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

 

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

 

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

 

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

 

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản".

 

 Như vậy, theo quy định trên, mảnh đất trên sẽ được chia đều cho các con của cụ bạn. Vì ông nội bạn đã mất nên bố bạn sẽ được hưởng phần di sản của ông nội bạn theo nguyên tắc thừa kế kế vị quy định tại Điều 677 BLDS 2005 quy định về thừa kế thế vị như sau:

 

“Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống”.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Hỏi về trường hợp thừa kế không có di chúc. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV: Phạm Thị Hồng Lan- Công ty Luật Minh Gia.

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo