LS Hoài My

Thừa kế khi cha mẹ không để lại di chúc

Gửi Luật sư! Cho tôi hỏi về chia thừa kế khi cha mẹ mất không để lại di chúc như sau: Tôi đang có 01 vướng mắc cần Luật sư tư vấn giúp. Cha tôi có 03 người con đang ở tại ĐNG, cha mẹ tôi đã chết và để lại tài sản là 01 lô đất đã có sổ đỏ đứng tên ông bà. Khi mất cha mẹ không để chị di chúc cho ai. Tôi có ra P công chứng hỏi về thủ tục thừa kế thì họ yêu cầu:

 

+ Phải có giấy chứng tử của cha/mẹ của ba mẹ tôi, tức là ông bà nội, ngoại của tôi trong khi ông bà chết quá lâu rồi, chỉ còn bia mộ có ghi thôi

 + Phải có xác nhận nhân thân là ba, mẹ tôi là con của ông bà tôi hoặc giấy khai sinh của ba,mẹ tôi (ba mẹnăm nay đã 89 tuổi đã mất 02 năm, với tuổi này làm gì có giấy khai sinh). Vậy với từng ấy khó khăn là sao anh em tôi có thể khai nhận thừa kế, trong khi hai người anh đã đồng ý để tại tài sản đó cho tôi. Mong luật sư tư vấn giúp ạ! Xin chân thành cảm ơn.

 

Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn cho công ty Luật Minh Gia chúng tôi, công ty xin được tư vấn về trường hợp này như sau:

 

Thứ nhất, công chứng viên yêu cầu bạn phải có giấy chứng tử của cha/mẹ của ba mẹ bạn, tức là ông bà nội, ngoại của của bạn là đúng quy định và hợp lý bởi:

 

Điều 650 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về Những trường hợp thừa kế theo pháp luật như sau:

 

“1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:

 

a) Không có di chúc;

 

b) Di chúc không hợp pháp;

 

c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;

 

d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản…”

 

Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người thừa kế theo pháp luật như sau:

 

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

...

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

 

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

 

Mặt khác, theo Điều 613 Bộ luật dân sự 2015 thì “Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế…”

 

Với trường hợp của bạn, do cha mẹ bạn mất không để lại di chúc nên tài sản của cha mẹ bạn sẽ được chia theo pháp luật mà theo như quy định trên thì bạn và cả ông bà bạn (cha đẻ, mẹ đẻ của bố mẹ) cùng thuộc hàng thừa kế thứ nhất và sẽ được chia di sản của bố mẹ bạn ngang nhau. Do đó, công chứng viên yêu cầu bạn cấp chứng giấy chứng tử của ông bà bạn để chứng minh cha đẻ, mẹ đẻ của người để lại di sản (bố mẹ bạn) còn sống hay đã chết? Nếu còn sống thì vẫn là người thừa kế và được chia di sản và ngược lại nếu đã chết thì không phải là người thừa kế. Việc này rất quan trọng trong việc xác định những người thừa kế, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của họ, tránh bỏ sót những người thừ kế.

 

Thứ hai, công chứng viên yêu cầu phải có xác nhận nhân thân là ba, mẹ bạn là con của ông bà nội, ngoại bạn hoặc giấy khai sinh của ba,mẹ bạn cũng là hợp lý bởi theo quy định của pháp luật thì những người thừa kế phải có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng với người để lại thừa kế. Việc chứng minh quan hệ cha con, mẹ con (quan hệ huyết thống) này có thể thông qua giấy khai sinh của con (tức bố mẹ bạn) bởi trên giấy khai sinh, tên họ của cha và mẹ đều được ghi nhận ở một số mục tương ứng trong giấy khai sinh. Ngay cả đối với trường hợp những người được khai là cha là mẹ của đứa trẻ không có giấy đăng ký kết hôn hợp lệ, thì tư cách cha và mẹ cũng vẫn có thể được chứng minh bằng cách dựa vào những chi tiết được ghi nhận trên giấy khai sinh.

 

Tóm lại, việc chứng minh ông bà nội, ngoại của bạn đã mất và cả quan hệ huyết thống giữa bạn và bố mẹ bạn đều phải thông qua giấy tờ rõ ràng, tránh trường hợp chỉ nói miệng bởi có nhiều trường hợp nói dối là ông, bà đã mất hoặc là con của người dể lại di sản để được hưởng di sản thừa kế. Đây là các giấy tờ rất quan trọng trong hồ sơ khai nhận di sản thừa kế nên cần phải có.

 

Tuy nhiên, nếu bạn có khó khăn trong việc thu thập những giấy tờ trên do ông bà chết quá lâu rồi, chỉ còn bia mộ có ghi, còn bố mẹ bạn thì không có giấy khai sinh thì bạn có thể áp dụng một số giải pháp khác như:

 

- Nếu ông bà bạn chưa khai tử thì có thể khai tử quá hạn hoặc làm đơn xin xác nhận có đóng dấu và xác nhận nội dung đơn của UBND cấp xã, lý lịch Đảng viên hay Đơn xác nhận phần mộ của người mất, có xác nhận của quản trang và đóng dấu của UBND cấp xã…

 

- Lập khai sinh trễ hạn hoặc chứng minh yếu tố xã hội học của quan hệ cha mẹ-con bằng cách lập 1 tờ khai mô tả nội dung quan hệ rồi xin xác nhận của các cấp chính quyền điạ phương...

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Thừa kế khi cha mẹ không để lại di chúc. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV Khuất Thị Hạnh - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo