Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Từ chối nhận di sản thừa kế thực hiện thế nào?

Bản chất của thừa kế là sự dịch chuyển tài sản từ người đã mất sang cho người thừa kế. Thế nhưng không phải trong trường hợp nào người nhận thừa kế cũng mong muốn được hưởng di sản và có nguyên vọng để một người thừa kế khác nhận thay toàn bộ. Trường hợp này đặt ra vấn đề tặng cho di sản thừa kế. Tặng cho di sản không phải là hành vi cố tình thực hiện sai di chúc của người quá cố mà cần thực hiện thông qua thủ tục pháp lý cụ thể.

 

Yêu cầu tư vấn: Cháu năm nay 20t, đang là sinh viên tại hà nội.Cháu có 1 việc mong được giải đáp: Bố cháu mất năm 202x, bố mất đột ngột nên không để lại di chúc.Sổ đỏ đứng tên bố cháu.Gia đình cháu có 4 anh chị em,anh cả đã mất năm 202x và có 2 con gái, 2 anh chị còn lại đã lập gia đình. Nay chúng cháu muốn để mẹ cháu thừa hưởng toàn bộ đất đai thì phải làm thủ tục như thế nào ạ? Cháu mong nhận được hồi đáp sớm,cháu xin chân thành cảm ơn!

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia, dựa trên nội dung câu hỏi của bạn, chúng tôi xin được đưa ra nội dung tư vấn như sau: 

Thứ nhất, xác định những người có quyền thừa kế

Theo như thông tin mà bạn cung cấp thì bố bạn mất không để lại di chúc nên di sản sẽ được chia theo pháp luật.

Mặc dù sổ đỏ đứng tên bố bạn nhưng dựa trên nội dung thông tin hiện có không thể khẳng định luôn đây là tài sản riêng của bố bạn. Nếu như đây là tài sản chung của bố mẹ bạn thì chỉ một nửa quyền sử dụng đất là di sản thừa kế. Nếu đây là tài sản riêng thì toàn bộ quyền sử dụng đất là di sản thừa kế. Căn cứ theo Điều 612 Bộ Luật Dân sự 2015 thì: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.”

Do bố bạn mất đột ngột và không để lại di chúc nên di sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Căn cứ theo điểm a Khoản 1 Điều 651 Bộ Luật Dân sự 2015 thì hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

Trong trường hợp của gia đình bạn, hàng thừa kế thứ nhất gồm: mẹ bạn, bạn, 3 anh chị em khác. Trong đó anh cả đã mất và có hai con gái. Vì bạn không nói rõ nên không xác định được là anh bán mất trước, cùng thời điểm hay mất sau bó của bạn.

- Trường hợp anh trai bạn mất trước hoặc mất cùng thời điểm, trường hợp thừa kế thế vị sẽ xảy ra. Căn cứ theo Điều 652 Bộ Luật Dân sự 2015 thì: “Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống” . Như vậy hai người con gái của anh trai bạn sẽ được hưởng phần di sản mà lẽ ra cha mình sẽ được hưởng nếu còn sống. Trường hợp này phần di sản của anh trai bạn được chia thành 2 phần 

- Trường hợp anh trai bạn mất sau bố bạn. Vì kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại. Nên vợ của anh trai bạn (nếu còn) và các con bạn sẽ được thừa kế phần quyền hưởng di sản của anh trai bạn. Trường hợp này phần di sản của anh bạn được hưởng từ người bố có thể sẽ được chia thành 3 phần.

Thứ hai, thủ tục để phân chia di sản thừa kế

Để phân chia di sản thừa kế cần có sự thỏa thuận của tất cả những người được quyền thừa kế như phân tích ở trên. Việc để mẹ bạn được đứng tên trên toàn bộ tài sản chỉ có thể thực hiện nếu được tất cả những người thừa kế đồng ý. Trường hợp những người thừa kế không có nhu cầu hưởng di sản thừa kế thì có thể từ chối hưởng thừa kế hoặc làm thủ tục tặng cho phần di sản thừa kế của mình cho người mẹ. Gia đình có thể thực hiện thủ tục phân chia di sản thừa kế tại văn phòng công chứng theo quy định tại Điều 57 Luật công chứng 2014:

"1. Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản.

Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần di sản mà mình được hưởng cho người thừa kế khác.

2. Trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó.

Trường hợp thừa kế theo pháp luật, thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế. Trường hợp thừa kế theo di chúc, trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có bản sao di chúc.

3. Công chứng viên phải kiểm tra để xác định người để lại di sản đúng là người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và những người yêu cầu công chứng đúng là người được hưởng di sản; nếu thấy chưa rõ hoặc có căn cứ cho rằng việc để lại di sản và hưởng di sản là không đúng pháp luật thì từ chối yêu cầu công chứng hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định.

Tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản trước khi thực hiện việc công chứng.

4. Văn bản thỏa thuận phân chia di sản đã được công chứng là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản."

Hồ sơ cần chuẩn bị bao gồm:

- Phiếu yêu cầu công chứng;

- Văn bản khai nhận di sản thừa kế;

- Giấy chứng tử của người chết;

- Giấy tờ chứng minh quyền của người thừa kế (giấy khai sinh, đăng ký kết hôn...)

- Bản sao có chứng thực hoặc công chứng chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu

- Giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đất.

 

-----------------------------------------------------------------------------------------------

Câu 2: Tôi có người chị ở tại Mỹ, từ năm 90 cho đến nay chị luôn giúp gửi tiền về cho cha mẹ tôi ăn uống tiêu sài. Ngoài ra, ba tôi có thoả thuận bán đất ( trong thư viết tay của ba tôi có ghi rõ số m2 của đất đai nhà cửa đã bán cho con ). Năm 202x chị tôi có về Việt Nam để xin sang tên thì không được do Việt kiều nên không được đứng tên. Do đó ba tôi đã đồng ý đứng tên hộ cho chị tôi trên miếng đất mà ba má tôi đã đồng ý bán và hứa giữ hộ khi nào pháp luật VN cho việt kiều đứng tên sẽ chuyển giao, văn bản này có anh chị em chúng tôi ký vào (văn bản có luật sư xác nhận) Nay, ba má tôi không chịu sang tên mà có ý lấy lại một phần trên đất đã bán của chị làm nhà từ đường giao cho anh thứ hai bằng cách viết di chúc (anh đầu tôi đã có nhà từ đường sát bên rồi). Nay, chúng tôi là 9 anh chị em (4 người ở Việt Nam, 5 người ở mỹ), đã bàn nhau và thống nhất: lập biên bản không thực hiện di chúc của cha mẹ để lại, sau khi cha mẹ tôi mất chúng tôi giao trả phần đất mà cha mẹ để lại cho chị tôi (9 người sẽ ký và có công chứng). Tôi xin hỏi chúng tôi làm như vậy có được không? Tôi rất mong Luật minh gia phản hồi giùm tôi. Trong thời gian chờ đợi tôi thành thật cảm ơn.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia, dựa trên nội dung câu hỏi của bạn, chúng tôi xin được đưa ra nội dung tư vấn như sau: 

Thứ nhất, chị gái bạn có được nhận thừa kế hay nhận tặng cho quyền sử dụng đất hay không ?

Theo như thông tin mà bạn cung cấp thì chúng tôi hiểu chị gái của bạn là người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Căn cứ theo quy định cảu Luật Đất đai 2013 trong trường hợp bố mẹ bạn để lại di chúc cho chị gái bạn là người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài thì chị gái bạn sẽ có quyền được nhận thừa kế nếu có đủ điều kiện để nhập cảnh vào Việt Nam. Trong trường hợp không được nhập cảnh vào Việt Nam thì cá nhân người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ không được nhận thừa kế quyền sử dụng đất mà chỉ được hưởng phần giá trị của phần thừa kế đó thông qua việc mua bán hoặc tặng cho.

Do ba bạn chưa thực hiện các thủ tục để chuyển nhượng/tặng cho/thừa kế quyền sử dụng đất cho chị gái bạn nên quyền sử dụng đất hiện nay vẫn là tài sản của ba bạn. Sau khi ba bạn mất thì quyền sử dụng đất trên là di sản để thừa kế của ba bạn.

Thứ hai, các anh chị em bạn có thể lập biên bản không thực hiện di chúc của cha mẹ để lại hay không ? 

Căn cứ theo Điều 624 Bộ Luật Dân sự 2015 thì: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.” Vậy nên tất cả các vấn đề được định đoạt trong di chúc các bạn cần phải tôn trọng và thực hiện theo nội dung của di chúc. 

Tuy nhiên, những người thừa kế vẫn có thể tặng cho phần di sản của mình được nhận cho người khác. Hồ sơ, thủ tục phân chia di sản thừa kế và tặng cho di sản thừa kế tương tự như trường hợp nêu tại tình huống 1.

Sau khi văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế được công chứng, gia đình có thể gửi hồ sơ tại Phòng tài nguyên và môi trường cấp quận (huyện) để làm thủ tục đăng ký biến động đất đai. Hồ sơ bao gồm:

- Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK;

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (bản chính);

- Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế đã được công chứng;

- Các giấy tờ nhân thân,.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo