Trần Anh

Thủ tục nhập khẩu cho cháu vào nhà ông bà ngoại?

Xác định nơi cư trú của người chưa thành niên như thế nào? Trường hợp con chưa thành niên không sống cùng sổ hộ khẩu với bố mẹ thì ai là người thực hiện các thủ tục chuyển hộ khẩu, cắt hộ khẩu cho cháu? Luật Minh Gia giải đáp thắc mắc liên quan đến vấn đề này thông qua tình huống sau đây:

1. Luật sư tư vấn Luật Cư trú

Luật Cư trú ghi nhận công dân có quyền tự do cư trú theo quy định của pháp luật. Nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống, trường hợp không xác định được nơi cá nhân thường xuyên sinh sống thì nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó đang sinh sống.

Nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha, mẹ; nếu cha, mẹ có nơi cư trú khác nhau thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ mà người chưa thành niên chung sống.

Tuy nhiên, trên thực tế nhiều người còn gặp vướng mắc liên quan đến các vấn đề:

- Thực hiện thủ tục đăng ký thường trú;

- Xác định nơi cư trú của người chưa thành niên;

- Thực hiện các thủ tục liên quan đến vấn đề cư trú của người chưa thành niên,…

Vì vậy, nếu bạn đang có thắc mắc liên quan đến vấn đề này, bạn nên tìm hiểu các quy định của pháp luật hoặc tham khảo ý kiến luật sư chuyên môn. Trong trường hợp không có thời gian tìm hiểu hoặc không có luật sư riêng, bạn hãy liên hệ Luật Minh Gia để chúng tôi giải đáp và hướng dẫn các phương án cụ thể.

Để được hỗ trợ, tư vấn pháp lý về các vấn đề liên quan đến luật cư trú, bạn hãy gửi câu hỏi cho chúng tôi để được tư vấn.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Tư vấn thủ tục nhập khẩu cho cháu vào nhà bà ngoại

Nội dung tư vấn:

Thân Chào luật Minh Gia!Tôi có vấn đề này xin nhờ luật sư tư vấn giúp. Vợ chồng tôi hiện đều đi làm ăn xa và gửi con ở với bà ngoại. Sắp tới để tiện cho việc làm hồ sơ nhập học cho cháu vào lớp 1 nên tôi muốn làm thủ tục cho cháu chuyển khẩu vào nhà ngoại, ( hiện tại hộ khẩu của 2 vợ chồng và con đều ở nhà nội) nhưng chúng tôi hiện đang ở xa ko về quê đc thì mẹ tôi có thể thay tôi làm thủ tục chuyển khẩu cho cháu được không hay phải có bố mẹ mới làm được ạ. Và nếu tôi cũng muốn chuyển khẩu luôn nhưng tôi không có mặt thì mẹ tôi có thể làm thủ tục chuyển cho tôi được không. Xin luật sư tư vấn giúp tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn !

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:              

Thứ nhất, về việc nhập hộ khẩu cho con chị

Theo như chị cung cấp, con chị là người chưa thành niên. Do đó, căn cứ quy định tại Điều 13 Luật cư trú 2006 về nơi cư trú của người chưa thành niên: “có thể có nơi cư trú khác với nơi cư trú của cha, mẹ nếu được cha, mẹ đồng ý hoặc pháp luật có quy định”. Theo quy định tại khoản 2 Điều trên, con anh chị mới có 6 tuổi, cháu là đối tượng người chưa thành niên. Do vậy, nếu như anh chị đồng ý thì cháu có thể có nơi cư trú khác với cha mẹ. Thế nên anh chị hoàn toàn có thể đăng ký thường trú cho con về ở với bà ngoại.

Về thủ tục đăng ký thường trú cho người chưa thành niên

Bước 1: Trước tiên anh chị cần xin cấp giấy chuyển hộ khẩu tại công an cấp huyện nơi anh chị đăng ký thường trú

+ Hồ sơ xin cấp giấy chuyển hộ khẩu gồm: Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; Sổ hộ khẩu (theo quy định tại Điều 8 Thông tư 35/2014/TT-BCA).

+ Trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ thì trưởng công an huyện sẽ cấp giấy chuyển hộ khẩu cho cháu.

Bước 2: Thực hiện thủ tục đăng ký thường trú cho cháu tại nơi đăng ký thường trú của bà ngoại sau khi đã nhận được giấy chuyển hộ khẩu.

Theo quy định tại Điều 6 Thông tư 35/2014/TT-BCA thì hồ sơ để có thể nhập khẩu cho cháu vào hộ khẩu của bà như sau:

+ Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;

+ Bản khai nhân khẩu

+ Giấy chuyển hộ khẩu

+ Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp và phải xuất trình giấy tờ chứng minh hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn về mối quan hệ giữa cháu và bà.

+ Giấy khai sinh của con anh chị.

+ Ý kiến đồng ý bằng văn bản của anh chị về việc cho cháu về ở cùng với bà, có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã.

- Nơi tiếp nhận hồ sơ: Anh chị nộp đơn tại Công an huyện, quận, thị xã đối với thành phố trực thuộc Trung ương hoặc đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

+ Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ thì cơ quan công an nêu trên sẽ có trách nhiệm đăng ký thường trú cho con anh chị, nếu không cấp thì sẽ phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Như vây, pháp luật không có quy định về trường hợp bắt buộc phải có cha mẹ khi nhập khẩu cho con. Do đó, trong trường hợp này, anh chị chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo mẫu và có thể nhờ bà ngoại làm thủ tục chuyển khẩu cho cháu.

Thứ hai, về việc nhập hộ khẩu của chị

Về điều kiện để được nhập khẩu mới: Do chị không nói rõ về việc nhà mẹ chị là thành phố trực thuộc tỉnh hay thành phố trực thuộc trung ương nên:

Trường hợp 1: Nếu đăng ký thường trú tại tỉnh đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 19, luật cư trú 2006 về Điều kiện đăng ký thường trú tại tỉnh: “Công dân có chỗ ở hợp pháp ở tỉnh nào thì được đăng ký thường trú tại tỉnh đó. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.”

Như vậy, trong trường hợp này, chị phải được mẹ đồng ý cho nhập khẩu và được thể hiện bằng văn bản.

Trường hợp 2: Nếu đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương phải đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 20, Luật cư trú 2006 về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương - Luật cư trú được sửa đổi, bổ sung năm 2013 có quy định như sau:

"Công dân thuộc một trong những trường hợp sau đây thì được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương:

1. Có chỗ ở hợp pháp, trường hợp đăng ký thường trú vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ một năm trở lên, trường hợp đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ hai năm trở lên:

2. Được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;

b) Người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc về ở với anh, chị, em ruột;

c) Người khuyết tật, mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;

d) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;

đ) Người thành niên độc thân về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột;

e) Ông bà nội, ngoại về ở với cháu ruột;

3. Được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn và có chỗ ở hợp pháp;

4. Trước đây đã đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương, nay trở về thành phố đó sinh sống tại chỗ ở hợp pháp của mình;

5. Trường hợp quy định tại các khoản 1, 3 và 4 Điều này đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức thì phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố;

b) Có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn về điều kiện diện tích bình quân;

c) Được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản;

6. Việc đăng ký thường trú vào nội thành thành phố Hà Nội thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 19 của Luật Thủ đô.”

Như vậy, trong trường hợp chị đáp ứng đủ các điều kiện trên theo quy định thì chị có thể đăng ký thường trú tại nhà mẹ chị. Về việc nộp hồ sơ, pháp luật không có quy định bắt buộc chị phải có mặt để làm thủ tục. Do đó, chị có thể chuẩn bị hồ sơ và nhờ mẹ chị làm thủ tục giúp chị.

Vậy nên, con chị có thể nhập khẩu vào nhà bà ngoại. Đối với chị,  chị có thể được nhập khẩu vào nhà mẹ chị nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Luật cư trú 2006.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo