Luật sư Phùng Gái

Thủ tục nhận nuôi con nuôi và nhập khẩu cho con?

Tôi có hộ khẩu thường trú tại Lào Cai Có con trai 6 tuổi Hiện đang ở cùng Ông bà nội tại Phú Thọ. Vợ tôi HKTT tại Phú thọ ( 2 mẹ con không cùng nơi ĐKTT) làm nghề tự do ở Lào Cai.

 

Hiện giờ cháu đã lớn phải đi học, bản thân tôi cùng vợ muốn cháu được học hành và gần bố mẹ để tiện nuôi và chăm cháu, tuy nhiên công việc của bản thân tôi bên xây dựng nên hay phải đi công tác xa, mẹ cháu làm nghề tự do cũng không có nhiều thời gian chăm sóc đưa đón cháu đi học. Nên muốn nhập khẩu cho cháu vào hộ khẩu gia đình ông bà trẻ cháu tại  Lào Cai để thuận lợi cho việc học tập của cháu, và ông bà đưa đón cháu đi học khi bố mẹ đi vắng. Tuy nhiên lên công an phường yêu cầu có đơn ủy quyền nuôi con cho ông bà trẻ và giấy xác nhận nhân thân đó là cô ruột của tôi, khi lên phường xác nhận họ yêu cầu phải làm thủ tục nhận con nuôi chứ ko được ủy quyền. Vậy xin hỏi thủ tục cụ thể như thế nào để tôi có thể nhập khẩu cho cháu vào hộ ông bà trẻ của cháu? mong luật sư tư vấn, tôi xin cảm ơn

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo quy định của Luật cư trú sửa đổi, bổ sụng 2013 

 

Điều 20. Điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương

 

Công dân thuộc một trong những trường hợp sau đây thì được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương:

 

1. Có chỗ ở hợp pháp, trường hợp đăng ký thường trú vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ một năm trở lên, trường hợp đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ hai năm trở lên;

 

2. Được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

 

a) Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;

 

b) Người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc về ở với anh, chị, em ruột;

 

c) Người khuyết tật, mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;

 

d) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;

 

đ) Người thành niên độc thân về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột;

 

e) Ông bà nội, ngoại về ở với cháu ruột;

 

3. Được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn và có chỗ ở hợp pháp;

 

4. Trước đây đã đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương, nay trở về thành phố đó sinh sống tại chỗ ở hợp pháp của mình;

....

 

Như vậy, đối tượng được nhập khẩu chỉ áp dụng với những trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Trường hợp của gia đình bạn do ông bà trẻ không thuộc đối tượng được phép cho nhập khẩu. Nên để được nhập khẩu bắt buộc ông bà trẻ phải thực hiện thủ tục nhận nuôi con nuôi sau đó mới có thể thực hiện thủ tục tách và nhập khẩu cho cháu bé được. Cụ thể, Luật nuôi con nuôi:

 

-Thủ tục nhận nuôi con nuôi: Để thực hiện thủ tục nhận nuôi con nuôi thì hai bên cần đáp ứng đủ điều kiện và chuẩn bị hồ sơ sau:

 

+Hồ sơ của người nhận nuôi con nuôi gồm:

 

1. Đơn xin nhận con nuôi;

 

2. Bản sao Hộ chiếu, Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có giá trị thay thế;

 

3. Phiếu lý lịch tư pháp;

 

4. Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân;

 

5. Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp; văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 14 của Luật Nuôi con nuôi.

 

+ Hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi:

 

1. Hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi trong nước gồm có:

 

a) Giấy khai sinh;

 

b) Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp;

 

c) Hai ảnh toàn thân, nhìn thẳng chụp không quá 06 tháng;

 

2. Cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ lập hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi sống tại gia đình; cơ sở nuôi dưỡng lập hồ sơ của trẻ em được giới thiệu làm con nuôi sống tại cơ sở nuôi dưỡng.

 

+Thời hạn giải quyết việc nuôi con nuôi

 

1. Người nhận con nuôi phải nộp hồ sơ của mình và hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được giới thiệu làm con nuôi thường trú hoặc nơi người nhận con nuôi thường trú.

 

2. Thời hạn giải quyết việc nuôi con nuôi là 30 ngày, kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp xã nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

 

Như vậy, sau khi hoàn tất thủ tục nhận nuôi con nuôi tại Uỷ ban nhân dân cấp xã thì gia đình chuẩn bị hồ sơ để thực hiện việc nhập khẩu tại cơ quan có thẩm quyền. Cụ thể, hồ sơ gồm:

 

-Thủ tục nhập khẩu:

 

1.  Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu;

 

2.  Giấy chuyển hộ khẩu;

 

3.  Giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp. Đối với trường hợp chuyển đến thành phố trực thuộc trung ương phải có thêm tài liệu chứng minh.

 

Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải cấp sổ hộ khẩu cho người đã nộp hồ sơ đăng ký thường trú; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Thủ tục nhận nuôi con nuôi và nhập khẩu cho con?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV P.Gái-công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo