Mạc Thu Trang

Thủ tục nhận con và đăng ký hộ khẩu có yếu tố nước ngoài

Tư vấn trường hợp làm thủ tục nhận cha cho con và đăng ký thường trú cho con theo cha. Nội dung tư cụ thể như sau:

Nội dung câu hỏi: Chào luật sư! Tôi đang có 1 vấn đề vướng mắc rất mong được luật sư tư vấn và giúp đỡ. Năm 2012 bạn gái tôi có bầu với tôi. Sau đó bạn gái tôi đi nước ngoài và sinh con bên đó, nhờ người bên đó đứng tên khai sinh cho cháu để có giấy tờ định cư (vì vậy cháu hiện mang quốc tịch nước ngoài). Năm 2014, bạn gái tôi đưa cháu về nước thăm gia đình. Nhưng khi quay trở lại nước ngoài bạn gái tôi đã gặp trục trặc khi làm thủ tục xuất cảnh tại cửa khẩu sân bay nên không thể cùng cháu bé ra nước ngoài được. Và vợ tôi cùng con đã ở lại VN từ đó đến nay. Hiện nay vợ tôi đã bỏ đi và để lại cháu bé để tôi nuôi. Qua tìm hiểu bây giờ tôi mới được biết, trong suốt thời gian qua vợ tôi không hề làm thủ tục đăng ký hộ khẩu hay tạm trú tạm vắng cho cháu bé gì cả (hiện nay cháu đã được 5 tuổi). Vậy tôi muốn hỏi luật sư, bây giờ tôi muốn làm thủ tục nhận con và đăng ký hộ khẩu cho cháu bé thì tôi phải làm các bước như thế nào? Rất mong được sự giúp đỡ của luật sư. Tôi xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời: Chào anh, cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn về cho Công ty Luật Minh Gia. Về vấn đề của anh, Luật Minh Gia giải đáp như sau:

 

Thứ nhất, về vấn đề nhận cha cho con

 

Theo điều 128, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc xác định cha cho con có yếu tố nước ngoài như sau:

 

“1. Cơ quan đăng ký hộ tịch Việt Nam có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con mà không có tranh chấp giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa công dân Việt Nam với nhau mà ít nhất một bên định cư ở nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau mà ít nhất một bên thường trú tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về hộ tịch.

 

2. Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam giải quyết việc xác định cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 88, Điều 89, Điều 90, khoản 1, khoản 5 Điều 97, khoản 3, khoản 5 Điều 98 và Điều 99 của Luật này; các trường hợp khác có tranh chấp”.

 

Như vậy, trong trường hợp này, sẽ xảy ra tranh chấp giữa cha đẻ của cháu bé là anh với người cha có quốc tịch nước ngoài có tên trên giấy khai sinh của cháu bé do vợ anh nhờ người đứng tên khai sinh cho cháu để có giấy tờ định cư. Vì vậy, Tòa án nhân dân sẽ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp để xác định cha cho con của anh.

 

Về người có quyền yêu cầu xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp được quy định tại Điều 102, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:

 

“Cha, mẹ, con, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án xác định con, cha, mẹ cho mình”.

 

“Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự:

 

Cha, mẹ, con, người giám hộ;

 

Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

 

Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

 

 Hội liên hiệp phụ nữ”.

 

Chứng cứ chứng minh theo hướng dẫn tại Điều 11 Thông tư 15/2015/ TT – BTP sẽ bao gồm: Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con; Trường hợp không có văn bản quy định tại khoản 1 Điều này thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.

 

Thời hạn thực hiện: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu. Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc.

 

Căn cứ quy định trên, trong hồ sơ yêu cầu nhận cha cho con có yếu tố nước ngoài, xét nghiệm ADN là thủ tục bắt buộc để chứng minh quan hệ cha con, nếu có phương pháp khác chứng minh được quan hệ cha con thì không cần xét nghiệm ADN.

 

Hồ sơ đăng ký nhận cha cho con gồm:

 

 Tờ khai xin nhận cha cho con.

 

 Bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu để chứng minh về nhân thân

 

Trích lục khai sinh của người được nhận là con;

 

Giấy tờ, tài liệu hoặc chứng cứ để chứng minh quan hệ cha con.

 

Trong bộ hồ sơ, hộ chiếu của cha là người nước ngoài phải được dịch và công chứng (hợp pháp hóa lãnh sự giấy tờ).

 

Sau đó người nhận con sẽ nộp hồ sơ xin nhận cha con tại cơ quan đăng ký hộ tịch tại UBND cấp huyện. Căn cứ quy định trên, sau khi nộp đầy đủ hồ sơ trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định, công chức làm công tác hộ tịch xác minh, niêm yết việc nhận cha, mẹ, con tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp huyện trong thời gian 07 ngày liên tục, đồng thời gửi văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của người được nhận là cha, mẹ, con niêm yết trong thời gian 07 ngày liên tục tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã.

 

Đồng thời với việc đăng ký nhận con, anh sẽ tiến hành thủ tục cải chính giấy khai sinh cho con theo quy định tại Điều 26 Luật hộ tịch 2014.

 

Thứ hai, về thủ tục đăng ký hộ khẩu

 

Bước 1: Người đi đăng ký nhập hộ khẩu cho trẻ (cha, mẹ hoặc đại diện hộ gia đình, ông, bà, người nuôi dưỡng, chăm sóc, người thân thích của trẻ) chuẩn bị những giấy tờ sau:

 

- 1 tờ Bản sao giấy khai sinh của trẻ (có dấu đỏ do UBND phường, xã cấp) và 1 bản photo.

 

- Giấy chứng nhận kết hôn của bố mẹ trẻ (nếu cha, mẹ của trẻ có đăng ký kết hôn) hoặc Quyết định ly hôn và 1 bản photo.

 

- Sổ hộ khẩu gia đình (bản chính).

 

- Điền đầy đủ thông tin vào mẫu Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu (mẫu HK02) (mẫu này lấy tại Công an quận, huyện, thị xã, thành phố).

    

Bước 2: Nộp các giấy tờ, mẫu khai nói trên tại Công an quận, huyện, thị xã, thành phố nơi cư trú của bố hoặc mẹ (nếu bố, mẹ không cùng hộ khẩu thường trú); nơi cư trú chung của bố, mẹ (nếu có cùng HKTT)

 

Cán bộ nhận hồ sơ kiểm tra thông tin ghi trong mẫu khai HK02, đối chiếu các giấy tờ, lấy Bản sao giấy khai sinh (có dấu đỏ), giấy chứng nhận kết hôn, quyết định ly hôn (bản photo). (để bỏ vào hồ sơ tàng thư hộ khẩu)

 

- Cán bộ đưa giấy hẹn, trong đó ghi rõ thời gian (tối đa 10 ngày) sẽ nhận lại sổ hộ khẩu.

 

- Thời gian làm thủ tục và lấy hộ khẩu: từ Thứ 2 đến sáng Thứ 7 hàng tuần.

 

Lưu ý:

 

Trẻ được nhập khẩu theo bố hoặc mẹ. Việc nhập khẩu cho trẻ là hoàn toàn miễn phí.

 

Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày trẻ được đăng ký khai sinh, cha, mẹ hoặc đại diện hộ gia đình, người giám hộ, người nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký thường trú cho trẻ. Nếu quá thời hạn này mà chưa làm thủ tục nhập hộ khẩu thì bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng (Điểm a Khoản 1 Điều 8 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội)

 

Ngoài ra, khi thực hiện các thủ tục nêu trên, anh nên liên lạc với những người có quyền và nghĩa vụ liên quan để cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục dễ dàng hơn.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo