LS Thanh Hương

Thủ tục đăng ký thường trú cho người Việt Nam định cư tại nước ngoài

Luật sư tư vấn trường hợp người Việt Nam đã ra định cư tại nước ngoài muốn trở về Việt Nam đăng ký thường trú và các vấn đề pháp lý liên quan. Nội dung tư vấn như sau:

 

Câu hỏi: Mình chuyển hộ khẩu lên tỉnh lâm đồng Đà lạt để làm giấy đăng ký kết hôn với người nước ngoài (Hàn quốc) đã 6 năm và hiện tại mình đang sinh sống tại Hàn quốc do cần 1 số giấy tờ ở địa phương nơi mình sinh ra và lớn lên (Tây ninh) nên bây giờ mình muốn chuyển lại hộ khẩu về lại Tây ninh vậy mình phải cần những thủ tục và giấy tờ như thế nào? Mình kính mong cty luật gia minh tư vấn giúp mình cảm ơn ạ!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng lựa chọn tư vấn bởi Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi xin tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

 

Luật cư trú 2006 có quy định vấn đề xóa đăng ký thường trú tại Điều 22 như sau:

 

Điều 22. Xoá đăng ký thường trú

 

1. Người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị xoá đăng ký thường trú:

              

a) Chết, bị Toà án tuyên bố là mất tích hoặc đã chết;

 

b) Được tuyển dụng vào Quân đội nhân dân, Công an nhân dân ở tập trung trong doanh trại;

 

c) Đã có quyết định huỷ đăng ký thường trú quy định tại Điều 37 của Luật này;

 

d) Ra nước ngoài để định cư;

 

đ) Đã đăng ký thường trú ở nơi cư trú mới; trong trường hợp này, cơ quan đã làm thủ tục đăng ký thường trú cho công dân ở nơi cư trú mới có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ quan đã cấp giấy chuyển hộ khẩu để xoá đăng ký thường trú ở nơi cư trú cũ.

 

2. Cơ quan có thẩm quyền đăng ký thường trú thì cũng có thẩm quyền xoá đăng ký thường trú.

 

3. Thủ tục cụ thể xoá đăng ký thường trú và điều chỉnh hồ sơ, tài liệu, sổ sách có liên quan do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.

 

Như vậy, nếu bạn ra nước ngoài để định cư thì được coi là một trong những căn cứ để xóa thường trú của bạn. Hiện tại bạn không còn thường trú thại Lâm Đồng – Đà Lạt nhưng có thể làm thủ tục đăng ký thường trú tại Tây Ninh nếu có đủ giấy tờ hướng dân tại Điều 6, Thông tư 35/2014/TT-BCA quy định về hồ sơ đăng ký thường trú như sau:

 

Điều 6. Hồ sơ đăng ký thường trú

 

1. Hồ sơ đăng ký thường trú, bao gồm:

 

a) Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;

 

b) Bản khai nhân khẩu (đối với trường hợp phải khai bản khai nhân khẩu);

 

c) Giấy chuyển hộ khẩu (đối với các trường hợp phải cấp giấy chuyển hộ khẩu quy định tại khoản 2 Điều 28 Luật Cư trú);

 

d) Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp quy định tại Điều 6 Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú (sau đây viết gọn là Nghị định số 31/2014/NĐ-CP). Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho đăng ký thường trú vào chỗ ở của mình và ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, ký, ghi rõ họ, tên; trường hợp người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đã có ý kiến bằng văn bản đồng ý cho đăng ký thường trú vào chỗ ở của mình thì không phải ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu. Đối với chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ tại thành phố trực thuộc Trung ương phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về điều kiện diện tích bình quân bảo đảm theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Trường hợp có quan hệ gia đình là ông, bà nội, ngoại, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, cháu ruột chuyển đến ở với nhau; người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng, người khuyết tật mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với người giám hộ thì không phải xuất trình giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp nhưng phải xuất trình giấy tờ chứng minh hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây viết gọn là Ủy ban nhân dân cấp xã) về mối quan hệ nêu trên.

 

2. Hồ sơ đăng ký thường trú đối với một số trường hợp cụ thể

 

Ngoài các giấy tờ, tài liệu có trong hồ sơ đăng ký thường trú hướng dẫn tại khoản 1 Điều này, các trường hợp dưới đây phải có thêm giấy tờ sau:

đ) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài, giấy tờ thay hộ chiếu do nước ngoài cấp còn giá trị hoặc không có hộ chiếu nhưng có giấy tờ thường trú do nước ngoài cấp nay trở về Việt Nam thường trú, khi đăng ký thường trú phải có giấy tờ hồi hương do cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cấp (nếu người đó ở nước ngoài) hoặc văn bản đồng ý cho giải quyết thường trú của Cục Quản lý xuất nhập cảnh (nếu người đó đang tạm trú ở trong nước), kèm theo giấy giới thiệu do Phòng Quản lý xuất, nhập cảnh nơi người đó xin thường trú cấp;

 

Khi có đủ các giấy tờ quy định tại Điều luật trên, bạn có thể thực hiện thủ tục đăng ký hộ khẩu thường trú tại Tây Ninh – Việt Nam.

 

Ngoài ra, Thông tư liên tịch 05/2009/TTLT-BCA-BNG hướng dẫn thủ tục giải quyết cho công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài đăng ký thường trú tại Việt Nam do Bộ Công an - Bộ Ngoại giao ban hành có quy định về đối tượng và phạm vi áp dụng tại Mục I như sau:

 

I. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI ÁP DỤNG

 

1. Thông tư này áp dụng đối với CDVNĐCNN mang hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu do nước ngoài cấp còn giá trị (dưới đây gọi chung là hộ chiếu nước ngoài) về Việt Nam đăng ký thường trú.

 

2. CDVNĐCNN không có hộ chiếu nước ngoài, nếu có giấy tờ thường trú do nước ngoài cấp thì cũng được áp dụng theo Thông tư này.

 

3. CDVNĐCNN có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng được giải quyết đăng ký thường trú tại Việt Nam theo quy định tại tiết b, điểm 1, Mục II Thông tư số 06/2007/TT-BCA-C11 ngày 01/7/2007 của Bộ Công an.

 

4. Những trường hợp sau đây không thuộc diện đối tượng áp dụng theo Thông tư này:

 

- Người đã xin thôi quốc tịch Việt Nam. Trường hợp muốn xin thường trú tại Việt Nam thì phải làm thủ tục xin trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam.

 

- Người thuộc diện “chưa được nhập cảnh Việt Nam” theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2000.

 

Như vậy, nếu bạn không thuộc đối tượng đã xin thôi quốc tịch Việt Nam, được phép nhập cảnh vào Việt Nam, hiện tại đang có chỗ ở hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam và có các giấy tờ quy định tại Điều 6, Thông tư 35/2014/TT-BCA thì thủ tục đăng ký hộ khẩu thường trú tại Việt Nam của bạn sẽ được giải quyết.

 

Trân trọng.

CV tư vấn: Bùi Thanh Hương

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo