Lò Thị Loan

Thủ tục đăng kí bản quyền tác giả theo quy định của pháp luật?

Kính gửi Luật sư, Luật sư vui lòng giải đáp giúp em một số thắc mắc sau ạ. Em là cá nhân có thiết kế một số sản phẩm truyện tranh dành cho trẻ em để bán trên thị trường. Vậy: 1. Truyện tranh do em tự thiết kế em có được phép tự in ấn tại các nhà in/ xưởng in không? Hay bắt buộc phải qua nhà xuất bản ạ?2. Sau khi tự in ấn em có được phép tự bán trên thị trường không? Có phải qua sự kiểm duyệt và cho phép của cơ quan nào trước khi đưa ra bán rộng rãi trên thị trường không?

 

3. Giả sử những câu truyện em đưa vào là truyện dân gian hoặc truyện tiếng anh em dịch sang tiếng việt và đưa vào nội dung, điều này có được phép không? Có vi phạm bản quyền không?

 

4. Câu hỏi cuối cùng, là cá nhân em có đăng ký bản quyền cho các tác phẩm truyện của em được không? Về cả hình ảnh và nội dung. Thủ tục đăng ký bản quyền này tại Việt Nam.

 

Em đang bắt tay vào chạy song song rất nhiều hạng mục công việc và thật sự rối bời khi không nắm rõ quy định của nước mình. Rất mong Luật sư giải đáp giúp em những thắc mắc sơ bộ này trước để giúp có kế hoạch triển khai. Sau khi đi vào cho tiết, nếu cần sự hỗ trợ nhiều hơn, em sẽ tới gặp trực tiếp văn phòng Luật của mình để trao đổi kỹ hơn.Trân trọng cảm ơn Luật sư.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

1.Tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào. Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học. Như vậy, đối với tác phẩm truyện tranh cho bạn tự thiết kế thì bạn là tác giả của tác phẩm này, do đó, bạn sẽ có các quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm này.  

 

Điều 19, Điều 20, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định về quyền nhân thân và quyền tài sản như sau:

 

“Điều 19. Quyền nhân thân

 

Quyền nhân thân bao gồm các quyền sau đây:

 

1. Đặt tên cho tác phẩm;

 

2. Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;

 

3. Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;

 

4. Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

 

Điều 20. Quyền tác giả

 

1. Quyền tài sản bao gồm các quyền sau đây:

 

a) Làm tác phẩm phái sinh;

 

b) Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;

 

c) Sao chép tác phẩm;

 

d) Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;

 

đ) Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;

 

e) Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.

 

2. Các quyền quy định tại khoản 1 Điều này do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện theo quy định của Luật này.

 

3. Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 3 Điều 19 của Luật này phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả."

 

Căn cứ theo điểm d, khoản 1, Điều 20, Luật SHTT 2005 và Khoản 3, Điều 23, Nghị định 100/2006/NĐ-CP quy định: “3. Quyền phân phối bản gốc hoặc bản sao tác phẩm quy định tại điểm d khoản 1 Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện bằng bất kỳ hình thức, phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được để bán, cho thuê hoặc các hình thức chuyển nhượng khác bản gốc hoặc bản sao tác phẩm.” Theo đó, bạn hoàn toàn có thể tự in tác phẩm truyện tranh do mình tự viết mà không cần phải thông qua các nhà xuất bản.

 

2. Sau khi tự in ấn tác phẩm, bạn hoàn toàn có thể tự bán ra thị trường mà không cần phải thông qua một cơ quan kiểm duyệt nào.

 

3. Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian là sáng tạo tập thể trên nền tảng truyền thống của một nhóm hoặc các cá nhân nhằm phản ánh khát vọng của cộng đồng, thể hiện tương xứng đặc điểm văn hoá và xã hội của họ, các tiêu chuẩn và giá trị được lưu truyền bằng cách mô phỏng hoặc bằng cách khác (khoản 1, Điều 23, Luật SHTT)

 

Điều 20, NĐ 100/2006/NĐ-CP quy định: “2. Sử dụng tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian quy định tại khoản 2 Điều 23 của Luật Sở hữu trí tuệ là việc nghiên cứu sưu tầm, giới thiệu giá trị đích thực của tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian.

 

3. Người sử dụng tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian quy định tại khoản 2 Điều này phải thoả thuận về việc trả thù lao cho người lưu giữ tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian và được hưởng quyền tác giả đối với phần nghiên cứu sưu tầm, giới thiệu của mình. 

 

Theo khoản 6, khoản 7, Điêu 28 quy định về các hành vi xâm phạm quyền tác giả như sau:

 

“6. Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật này.

 

7. Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp quy định tại điểmi khoản 1 Điều 25 của Luật này.”

 

Khoản 1, Điều 25, Luật SHTT 2005 quy định như sau:

 

“1.Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao bao gồm:

 

a) Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân;

 

b) Trích dẫn hợp lí tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình;

 

c) Trích dẫn tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để viết báo, dùng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu;

 

d) Trích dẫn tác phẩm để giảng dạy trong nhà trường mà không làm sai ý tác giả, không nhằm mục đích thương mại;

 

e) Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu;

 

 f) Biểu diễn tác phẩm sân khấu, loại hình biểu diễn nghệ thuật khác trong các buổi sinh hoạt văn hoá, tuyên truyền cổ động không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào;

 

g) Ghi âm, ghi hình trực tiếp buổi biểu diễn để đưa tin thời sự hoặc để giảng dạy;

 

h) Chụp ảnh, truyền hình tác phẩm tạo hình, kiến trúc, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng được trưng bày tại nơi công cộng nhằm giới thiệu hình ảnh của tác phẩm đó;

 

i) Chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị;

 

k) Nhập khẩu bản sao tác phẩm của người khác để sử dụng riêng.”

 

Như vậy đối với truyện tranh dân gian thì bạn chỉ được sử dụng với mục đích nghiên cứu sưu tầm giới thiệu giá trị đích thực của tác phẩm văn học.

 

Còn nếu bạn sao chép nguyên văn truyện dân gian hay dịch truyện tiếng anh sang tiếng việt để cho vào tác phẩm của mình để đem bán, sử dụng với mục đích thương mại thì bạn phải được sự cho phép của tác giả hay chủ sở hữu của tác phẩm đó. Nếu bạn tự ý sao chép tác phẩm mà không được sự đồng ý của tác giả hay chủ sở hữu của tác phẩm thì đó sẽ là hành vi xâm phạm bản quyền tác giả và bạn sẽ bị xử lí theo quy định của pháp luật.

 

4. Tác phẩm được bảo hộ quy định của Luật SHTT phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác. (khoản 3, Điều 14, Luật SHTT 2005).

 

Trong trường hợp của bạn, để tác phẩm của bạn được bảo hộ thì tác phẩm phải do bạn trực tiếp sáng tạo bằng trí tuệ của mình. Lúc này, bạn vừa là chủ sở hữu đồng thời là tác giả của cuốn truyện tranh này nên bạn có quyền đăng kí bảo hộ cho tác phẩm này.

 

Thủ tục đăng kí quyền tác giả như sau:

 

Về hồ sơ đăng ký bao gồm:

 

1.Tờ khai đăng ký quyền tác giả - 2bản (theo mẫu).

 

2.Ba bản mẫu tác phẩm cần đăng ký; tác phẩm đã được công bố hay chưa; thời gian công bố

 

3.Giấy uỷ quyền của tác giả/các đồng tác giả (có công chứng, chứng thực - 1 bản) nếu người nộp đơn là người được ủy quyền;

 

4.Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa.

 

5.Bản sao chứng minh nhân dân của tác giả/các tác giả (kèm theo bản chính chứng minh nhân dân để đối chiếu nếu bản sao không có công chứng – 1 bản);

 

6.Tên đầy đủ, bút danh (nếu có), địa chỉ, số điện thoại, fax của tác giả/các đồng tác giả.

 

7.Giấy cam đoan của tác giả độc lập sáng tạo tác phẩm, không vi phạm bản quyền của ai - 1 bản (theo mẫu).

 

Nộp hồ sơ tại Cục bản quyền tác giả ở  151 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội hoặc Văn phòng đại diện cục bản quyền tác giả tại TP.Hồ Chí Mình ở 170 Nguyễn Đình Chiều, P.6, Q.3, TPHCM.

 

Trân trọng.

Luật gia / CV tư vấn: Hương Giang - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo