LS Hồng Nhung

Thủ tục chia thừa kế khi không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Thừa kế là gì? Thủ tục phân chia di sản thừa kế được thực hiện ra sao? Người sử dụng đất chỉ có các giấy tờ về quyền sử dụng đất do chế độ cũ cấp thì phần đất đó có được coi là di sản thừa kế hay không? Luật Minh Gia giải đáp thắc mắc liên quan đến vấn đề chia thừa kế qua nội dung tư vấn sau đây:

1. Luật sư tư vấn Luật Dân sự

Thừa kế là một trong những chế định quan trọng của pháp luật dân sự. Theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành, cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình, để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật, hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Mọi cá nhân đều có quyền bình đẳng trong việc để lại di sản cho người khác hưởng, nhận hoặc từ chối nhận di sản và thực hiện nghĩa vụ của người chết để lại. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn xảy ra nhiều mâu thuẫn khi chia thừa kế bởi những người thừa kế không thể thỏa thuận về vấn đề phân chia di sản, họ không chấp nhận việc di sản được chia thành những phần bằng nhau khi thừa kế theo pháp luật.

Vì vậy, bạn hãy tìm hiểu Bộ luật Dân sự 2015 để nắm rõ các quy định của pháp luật về vấn đề này hoặc liên hệ với Công ty Luật Minh Gia chúng tôi qua Hotline 1900.6169 để chúng tôi tư vấn cụ thể hơn về:

- Chia thừa kế theo di chúc;

- Chia thừa kế theo pháp luật;

- Thủ tục phân chia di sản thừa kế.

Ngoài ra, bạn tham khảo thêm tình huống chúng tôi cung cấp sau đây để tìm hiểu thêm và áp dụng vào trường hợp của mình.

2. Tư vấn về chia thừa kế

Câu hỏi tư vấn: Dạ! ba em có 9 anh chị em. nhưng khi ông bà em mất thì mọi người muốn chia tài sản. Trong khi đó ông bà là do ba em nuôi, tất cả mọi việc trong nhà là do ba xử lí. Mà từ trước tới giờ ba em không có bằng phán đất chỉ đông quy lại và làm đến bây giờ. Hiện tại mọi người muốn chia gia tài, trong 20 công đất mà ba em làm ông sẽ trích ra 10 công đất chia cho 5 người con gái trong nhà. Nhưng từ trước đến giờ không một ai có công cho gia đình cả, mà ai cũng muốn gia tài từ đất nền nhà đến đất ruộng thì việc đó nên giải quyết ra sao ạ. Mong được sự tư vấn của luật sư!

Nội dung tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Vì thông tin bạn cung cấp chưa thể hiện thời điểm ông bà mất là khi nào nên chúng tôi tư vấn dựa theo quy định pháp luật hiện hành. Đầu tiên, bạn cung cấp thông tin cho rằng ba bạn không có bằng phán đất. Theo quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 và Điều 15 Thông tư 02/2015/TT-BTNMT thì bằng phán đất hay bằng khoán điền thổ là một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất. Vì vậy, chúng tôi giả định rằng ba bạn không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với 20 công đất mà ba bạn đang làm. Ngoài ra, bạn không đề cập đến việc 20 công đất ba bạn đang làm có nguồn gốc như thế nào nên chúng tôi tư vấn theo hai trường hợp sau đây:

Trường hợp 1: Nguồn gốc của 20 công đất đó là do ba bạn khai hoang sử dụng hoặc được Nhà nước giao đất theo chế độ cũ cho ba bạn

Theo quy định tại Điều 101 Luật Đất đai 2013:

“Điều 101. Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất

1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này, có hộ khẩu thường trú tại địa phương và trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận là người đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.

2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

…”

Như vậy, nếu thuộc một trong hai trường hợp nêu trên thì ba bạn có cơ sở yêu cầu Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với 20 công đất đó. Đây là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của người có quyền sử dụng đất. Ba bạn sẽ là người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các anh chị em của ba bạn không có quyền yêu cầu phân chia 20 công đất đó.

Trường hợp 2: Nguồn gốc của 20 công đất đó là của ông bà bạn

Trong trường hợp này, ông bà bạn được xác định là người sử dụng đất. Nếu ba bạn chỉ sử dụng 20 công đất đó sau khi ông bà mất thì khi đó quyền sử dụng đất và các tài sản gắn liền với đất đều có thể được xác định là di sản thừa kế của ông bà. Nếu ông bà bạn không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì theo quy định tại Mục II Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP quy định về xác định quyền sử dụng đất là di sản thì vẫn có căn cứ để xác định đây là di sản thừa kế.

Lúc này, việc chia thừa kế sẽ phụ thuộc vào việc ông bà bạn mất có để lại di chúc hay không. Dựa trên thông tin bạn cung cấp không đề cập đến vấn đề này nên chúng tôi tư vấn như sau:

Một là, ông bà bạn mất có để lại di chúc

Theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Di chúc hợp pháp khi có các điều kiện được quy định tại Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015:

“Điều 630. Di chúc hợp pháp

1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

…”

Theo đó, nếu ông bà bạn mất có để lại di chúc và di chúc đó hợp pháp thì di sản sẽ được chia thừa kế theo nội dung được thể hiện trên di chúc.

Hai là, ông bà bạn mất không để lại di chúc

Trong trường hợp này, việc phân chia di sản thừa kế sẽ không phụ thuộc vào ý chí của ông bà bạn như đối với trường hợp ông bà bạn mất có để lại di chúc. Khi đó, phần di sản mà ông bà để lại sẽ được chia thừa kế theo pháp luật.

Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người thừa kế theo pháp luật như sau:

“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

Như vậy, người thừa kế theo pháp luật chỉ có thể là cá nhân và phải có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng đối với người để lại di sản. Đồng thời những người thừa kế cùng hàng sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau. Vì vậy, các anh chị em của ba bạn yêu cầu phân chia di sản thừa kế là phù hợp với quy định của pháp luật. Theo như thông tin bạn cung cấp thì ba bạn có công sức đóng góp vào khối di sản thừa kế và nếu chứng minh được công sức đóng góp đó thì trong quá trình thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, ba bạn có quyền yêu cầu những người thừa kế còn lại thanh toán cho ba bạn phần công sức đóng góp của mình.

Để phân chia di sản thừa kế, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất cần thỏa thuận phân chia di sản thừa kế. Việc thỏa thuận này phải lập thành văn bản và phải được công chứng chứng thực. Sau khi hoàn tất thủ tục tại tổ chức hành nghề công chứng, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất có thể nộp hồ sơ đến văn phòng đăng ký đất đai để tiến hành thủ tục đăng ký biến động đất đai, sang tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trong trường hợp những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất không thể thỏa thuận phân chia di sản thừa kế thì có thể khởi kiện ra Tòa án yêu cầu phân chia di sản thừa kế. Khi yêu cầu Tòa án phân chia di sản, bạn cần lưu ý đến vấn đề thời hiệu thừa kế được quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

“Điều 623. Thời hiệu thừa kế

1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;

b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.

2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

3. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.”

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Minh Gia về vấn đề chia thừa kế, nếu bạn còn có vấn đề vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, bạn có thể liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo