Trần Phương Hà

Thời hạn và thời hiệu xử lý kỷ luật đối với Hiệu trưởng trường tiểu học?

Chào Luật sư. Chúc Luật sư và Gia đình nhiều sức khỏe. Hiện tại tôi có vấn đề đang rất khó khăn trong công tác tham mưu, cần được tư vấn. Mong Luật sư có thể giành ít thời gian tư vấn để tôi có thể tham mưu giúp đơn vị của mình.

 

Nội dung yêu cầu tư vấn: Ngày 22/02/2016 huyện tôi có ban hành Quyết định thành lập Đoàn Thanh tra về việc thu, chi tài chính và các nguồn thu khác của 1 đơn vị trường tiểu học. Mốc thời gian để thanh tra yêu cầu trường cung cấp các báo cáo có liên quan là từ thời điểm (01/01/2014 đến ngày ban hành quyết định thanh tra tức ngày 22/02/2016). Thời gian thanh tra là 30 ngày. Ngày 01/3/2016-04/5/2016: Đoàn Thanh tra bắt đầu thanh tra tại trường, qua thanh tra phát hiện, ngày 20/5/2016 có sai phạm trong thu chi tài chính.. năm 2015 cũng có sai phạm, số tiền không đáng kể. Đến ngày 23/8/2016 huyện ra Thông báo kết luận thanh tra, qua đó yêu cầu xử lý hình thức kỷ luật đối với hiệu trưởng trường được Thanh tra. Do sơ suất không quản lý cấp dưới làm sai phạm trong thu, chi tài chính, và một vài sai sót khác. Bản thân cô là Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm về vấn đề trên. Huyện tiến hành các bước theo đúng trình tự, thủ tục, thành lập Hội đồng kỷ luật, đầy đủ các bước theo qui định pháp luật. Xin hỏi Luật sư, hiện nay Hiệu trưởng Trường được thanh tra là Cô A, không thống nhất, không hợp tác và luôn thắc cho rằng thời hiệu, thời hạn để tiến hành kỷ luật cô là không còn. Vì vậy không thể kỷ luật cô. Xin luật sư có thể giải đáp dùm, đối với trường hợp của Cô A, thời hiệu, thời hạn xác định từ đâu? còn hay hết? Giải thích cụ thể như thế nào để cô A hiểu. Xin Luật sư tư vấn kỹ giúp em… Chân thành cảm ơn.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, về vấn đề của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

 

Theo quy định tại Điều 11 Nghị định 06/2010/NĐ - CP quy định:

 

Điều 11. Công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập

1. Đơn vị sự nghiệp công lập nói tại Nghị định này là các tổ chức được cơ quan có thẩm quyền của Đảng, cơ quan Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội thành lập và quản lý theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản, hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, nghiên cứu khoa học, văn hóa, thể dục thể thao, du lịch, lao động – thương binh và xã hội, thông tin truyền thông và các lĩnh vực sự nghiệp khác được pháp luật quy định.

4. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước cấp kinh phí hoạt động thuộc Tổng cục, Cục và tương đương trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ; tỉnh ủy, thành ủy; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh; huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy thuộc tỉnh ủy; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.

5. Người giữ các vị trí việc làm gắn với nhiệm vụ quản lý nhà nước trong đơn vị sự nghiệp công lập được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước.

 

Vậy qua các quy định trên thì Hiệu trưởng trường tiểu học là người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập và là công chức.

 

Về thời hiệu xử lý kỷ luật của Công chức được quy định tại Điều 6 Nghị định 34/2011/NĐ - CP Quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức có quy định về Thời hiệu xử lý kỷ luật như sau:



“1. Thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng, kể từ thời điểm công chức có hành vi vi phạm pháp luật cho đến thời điểm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền ra thông báo bằng văn bản về việc xem xét xử lý kỷ luật.

2. Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của công chức, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền xử lý kỷ luật quy định tại Điều 15 Nghị định này phải ra thông báo bằng văn bản về việc xem xét xử lý kỷ luật. Thông báo phải nêu rõ thời điểm công chức có hành vi vi phạm pháp luật, thời điểm phát hiện công chức có hành vi vi phạm pháp luật và thời hạn xử lý kỷ luật.”

 

Về thời hạn xử lý kỷ luật Theo điều 7 Nghị định 34/2011/NĐ - CP quy định như sau:

 

Điều 7. Thời hạn xử lý kỷ luật

1. Thời hạn xử lý kỷ luật tối đa là 02 tháng, kể từ ngày phát hiện công chức có hành vi vi phạm pháp luật cho đến ngày cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật.

2. Trường hợp vụ việc có liên quan đến nhiều người, có tang vật, phương tiện cần giám định hoặc những tình tiết phức tạp khác thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền xử lý kỷ luật ra quyết định kéo dài thời hạn xử lý kỷ luật theo quy định tại Khoản 2 Điều 80 Luật Cán bộ, công chức.

 

Và Khoản 2 Điều 80 Luật Cán bộ Công chức 2008 quy định:

 

Thời hạn xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức là khoảng thời gian từ khi phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật của cán bộ, công chức đến khi có quyết định xử lý kỷ luật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Thời hạn xử lý kỷ luật không quá 02 tháng; trường hợp vụ việc có những tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng tối đa không quá 04 tháng.”

 

Vậy theo quy định trên thời hiệu để xử lý kỷ luật đối với công chức là 24 tháng kể từ ngày công chức có hành vi vi phạm đến khi người có thẩm quyền ra văn bản để xem xem xét xử lý kỷ luật. Vậy đối với trường hợp của bạn, cần phải xem xét thời điểm có hành vi vi phạm của cô A là khi nào để từ đó xem xét còn có thời hiệu xử lý kỷ luật không.

 

Thời hạn xử lý kỉ luật được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm đến khi có quyết định xử lý kỷ luật của cơ quan có thẩm quyền. Thời hạn xử lý kỷ luật là không quá 2 tháng, nếu vụ việc có tính chất phức tạp, cần có thời gian thanh tra, kiểm tra hoặc liên quan đến nhiều người, có các tang vật cần phải giám định… thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng không quá 4 tháng.

 

Vì vậy bạn phải xem xét từ thời điểm cô A có hành vi vi phạm cho đến khi có Quyết định xem xét xử lý kỷ luật đã quá 24 tháng hay chưa, nếu chưa quá thì vẫn còn thời hiệu để xử lý kỷ luật. Tuy nhiên nếu thời hiệu xử lý vẫn còn cũng cần phải xem thời điểm ra quyết định xử lý kỷ luật có còn nằm trong thời hạn xử lý theo quy định trên hay không, nếu hết thời hiệu, thời hạn xử lý theo các quy định trên thì hành vi đó sẽ không bị xử lý nữa.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Thời hạn và thời hiệu xử lý kỷ luật đối với Hiệu trưởng trường tiểu học?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV.Lý Quỳnh Giang – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo