Vũ Thanh Thủy

Thế chấp tài sản tại ngân hàng có được bán cho người khác hay không?

Chào anh! Tôi xin nhờ anh tư vấn 1 trường hợp sau: Em tôi có mua trả góp 1 xe máy, nhưng còn khoảng 7,8 kỳ nữa chưa thanh toán, đăng ký xe ngân hàng vẫn đang giữ. Sau đó chồng nó mang xe đi cắm và không chuộc lại được vì không có tiền, 2 vợ chồng cũng đồng ý không chuộc lại xe, giờ người nhận cắm xe mang đi bán cho người thợ sửa xe cùng xã.

Người thợ sửa xe lại đến nhờ em tôi lên công an làm lại đăng ký (ý là làm mất). Em tôi không biết có nên lên công an làm lại đăng ký không? Nhờ luật sư tư vấn.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tới Công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo thông tin bạn cung cấp, em gái bạn có mua trả góp một xe máy và thế chấp đăng ký xe tại ngân hàng, tại Điều 321 Bộ luật dân sự 2015 quy định về quyền của bên thế chấp, theo đó:

 

“1. Khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản thế chấp, trừ trường hợp hoa lợi, lợi tức cũng là tài sản thế chấp theo thỏa thuận.

 

2. Đầu tư để làm tăng giá trị của tài sản thế chấp.

 

3. Nhận lại tài sản thế chấp do người thứ ba giữ và giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp do bên nhận thế chấp giữ khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp chấm dứt hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.

 

4. Được bán, thay thế, trao đổi tài sản thế chấp, nếu tài sản đó là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Trong trường hợp này, quyền yêu cầu bên mua thanh toán tiền, số tiền thu được, tài sản hình thành từ số tiền thu được, tài sản được thay thế hoặc được trao đổi trở thành tài sản thế chấp.

 

Trường hợp tài sản thế chấp là kho hàng thì bên thế chấp được quyền thay thế hàng hóa trong kho, nhưng phải bảo đảm giá trị của hàng hóa trong kho đúng như thỏa thuận.

 

5. Được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nếu được bên nhận thế chấp đồng ý hoặc theo quy định của luật.

 

6. Được cho thuê, cho mượn tài sản thế chấp nhưng phải thông báo cho bên thuê, bên mượn biết về việc tài sản cho thuê, cho mượn đang được dùng để thế chấp và phải thông báo cho bên nhận thế chấp biết.”

 

Đối chiếu với quy định trên thì không quy định về vấn đề bên thế chấp được cầm cố lại tài sản cho người khác. Do đó, trường hợp em bạn đồng ý để người chồng dùng tài sản đã thế chấp mà giấy tờ của xe đứng tên em gái bạn đi cầm cố là trái với quy định của pháp luật, hợp đồng cầm cố sẽ bị vô hiệu theo Điều 123 Bộ luật dân sự, hậu quả của trường hợp này là các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhân (bên cầm cố trả tiền, bên nhận cầm cố trả lại tài sản). 

 

Bên cạnh đó, theo khoản 5 Điều 321 Bộ luật dân sự 2015 quy định bên thế chấp được quyền bán tài sản cho người khác khi có sự đồng ý của bên nhận thế chấp, theo đó, việc mua bán chiếc xe giữa hai bên cần phải có sự đồng ý của ngân hàng.

 

Theo quy định tại Thông tư 15/2014/TT-BCA thì trường hợp làm mất đăng ký xe thì chủ sở hữu có quyền yêu cầu cấp lại giấy đăng ký xe.

 

Tuy nhiên trường hợp của người em gái, giấy đăng ký xe máy đang thế chấp tại ngân hàng, không phải bị mất thì hai vợ chồng không thể tiến hành thủ tục cấp lại để làm thủ tục mua bán cho người thợ sửa xe.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.

P.luật sư tư vấn về dân sự – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo