Đinh Thị Minh Nguyệt

Thay đổi mã số ngạch của người lao động quy định thế nào?

Xin đoàn luật sư cho hỏi, về thay đổi mã số ngạch của người lao động theo hợp đồng 68 như sau: Tôi là nhân viên cơ quan hành chính nhà nước. Hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP, mã ngạch 01.007 - Nhân viên phục vụ. Hiện nay đang hưởng bậc 4 hệ số 2,19. Theo Thông tư số: 11/2014/TT-BNV của Bộ Nội Vụ, ban hành ngày 09/10/2014 như ngạch của tôi được chuyển thành ngạch 01.005.

Vậy cho tôi hỏi, nếu chuyển sang ngach này thì tôi có được là công chức, ngạch nhân viên, mã ngạch 01.005 không? Và nếu đúng thì để chuyển lên ngạch chuyên viên tôi cần phải có những điều kiện gì? Mong luật sư trả lời giúp!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với yêu cầu tư vấn của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Căn cứ tại Điều 1 Nghị định 68/2000/NĐ-CP về việc thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp quy định:

 

Điều 1. Thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc sau đây trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp:

 

1. Sửa chữa, bảo trì đối với hệ thống cấp điện, cấp, thoát nước ở công sở, xe ô tô và các máy móc, thiết bị khác đang được sử dụng trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp;

 

2. Lái xe;                         

 

3. Bảo vệ;

 

4. Vệ sinh;

 

5. Trông giữ phương tiện đi lại của cán bộ, công chức và khách đến làm việc với cơ quan, đơn vị sự nghiệp;

 

6. Công việc khác.

 

Tại khoản 4 mục II Thông tư 15/2001/TT-BTCCBCP hướng dẫn thực hiện Nghị định 68/2000/NĐ-CP quy định như sau:

 

4. Trường hợp ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với cá nhân trực tiếp làm các công việc nói tại Điều 1 của Nghị định số 68/2000/NĐ-CP thì ngoài những quy định được ghi trong mẫu hợp đồng được ban hành kèm theo Quyết định số 207/LĐTBXH ngày 02 tháng 4 năm 1993 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cá nhân trực tiếp làm hợp đồng được hưởng các chế độ, chính sách như cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp như sau:

 

4.1. Được áp dụng bảng lương hành chính quy định tại Nghị định số 25/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 để xếp lương theo ngạch và để làm các công việc nói tại Điều 1 của Nghị định số 68/2000/NĐ-CP;

 

4.2. Được nâng bậc lương theo thâm niên quy định;

 

4.3. Được điều chỉnh mức lương khi Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu hoặc theo thang bảng lương mới do cải cách chính sách tiền lương.

 

4.4. Được tham gia học tập, bồi dưỡng theo yêu cầu của cơ quan;

 

4.5. Được hưởng các chính sách về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội;

 

4.6. Nếu được cơ quan cử đi nước ngoài thì được hưởng quyền lợi như cán bộ, công chức,...

 

Theo quy định nêu trên, trường hợp bạn là nhân viên phục vụ trong cơ quan làm việc theo chế độ hợp đồng 68 thì sẽ được xếp lương theo Bảng 4: Bảng lương nhân viên thừa hành, phục vụ trong các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của nhà nước theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP.

 

Thông tư 11/2014/TT-BNV quy định chức danh, mã số ngạch và tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn các ngạch công chức chuyên ngành hành chính, tại Điều 11 Thông tư này có quy định như sau:

 

“Điều 11. Hiệu lực thi hành

3. Bãi bỏ ngạch và mã số các ngạch tại Quyết định số 78/2004/QĐ-BNV ngày 03/11/2004 của Bộ Nội vụ về việc ban hành danh mục các ngạch công chức và các ngạch viên chức, cụ thể như sau:

 

a) Kỹ thuật viên đánh máy (mã số ngạch 01.005);

 

b) Nhân viên đánh máy (mã số ngạch 01.006);

 

c) Nhân viên kỹ thuật (mã số ngạch 01.007);

 

d) Nhân viên văn thư (mã số ngạch 01.008);

 

đ) Nhân viên phục vụ (mã số ngạch 01.009);

 

e) Lái xe cơ quan (mã số ngạch 01.010);

 

g) Nhân viên bảo vệ (mã số ngạch 01.011).

 

Đối với công chức hiện đang giữ các ngạch nêu tại Khoản 3 Điều này được chuyển sang ngạch nhân viên (mã số ngạch 01.005) quy định tại Điều 9 của Thông tư này.”.

 

Đối chiếu quy định nêu trên thì nhân viên phục vụ có mã số ngạch 01.009 được chuyển sang ngạch nhân viên (mã số ngạch 01.005), việc chuyển đổi mã số ngạch của bạn không phải là căn cứ để xác định bạn là công chức hay không, do đó dù có sự thay đổi về mã số ngạch thì trường hợp của bạn vẫn là người lao động làm việc theo hợp đồng 68.

 

--------------------

Câu hỏi thứ 2 - NLĐ làm trong ngành vệ sinh môi trường đô thị có được hưởng phụ cấp công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không?

 

Kính chào quý công ty. Tôi có 1 câu hỏi thắc mắc, xin quý công ty giải đáp giúp. Tôi là người lao động, hợp đồng vào vị trí quản lý môi trường (chịu trách nhiệm vận hành bãi rác) của Trung tâm môi trường đô thi cấp huyện, là đơn vị hành chính sự nghiệp cấp huyện. Vậy cho tôi hỏi là: 1. Tôi có được hưởng phụ cấp độc hại không? người lao động trong đơn vị hành chính sự nghiệp có được hưởng các khoản phụ cấp khác mà nếu là người biên chế chính thức thì được hưởng không? 2. Các văn bản pháp luật nào quy định các vấn đề trên? Tôi xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Căn cứ Điều 7 Nghị định 49/2013/NĐ-CP quy định nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương như sau:

 

"3. Mức lương thấp nhất (khởi điểm) của công việc hoặc chức danh trong thang lương, bảng lương do công ty xác định trên cơ sở mức độ phức tạp của công việc hoặc chức danh tương ứng với trình độ, kỹ năng, trách nhiệm, kinh nghiệm để thực hiện công việc hoặc chức danh, trong đó:

 

c) Mức lương của công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường."

 

Và Quyết định số 1629/LĐTBXH-QĐ ngày 26 tháng 12 năm 1996 quy định danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong ngành vệ sinh môi trường đô thị như sau:

 

VII. VỆ SINH MÔI TRƯỜNG ĐÔ THỊ

 

Điều kiện lao động loại V

 

6

Xúc, san bãi rác.

Công việc nặng nhọc, thường xuyên làm việc trong môi trường ô nhiễm nặng.

7

Chế biến rác.

Thường xuyên làm việc trong môi trường ô nhiễm.

 

Điều kiện lao động loại IV

 

5

Thu dọn rác bến tàu, xe; quét rác đường phố.

Thường xuyên tiếp xúc với rác bẩn và bụi nồng độ cao.

 

7

Lái, vận hành các loại xe chuyên dùng chở phân, rác.

Chuyên làm việc trong môi trường bị ô nhiệm bởi rác bẩn.

 

 

Theo quy định trên, đối chiếu với trường hợp của bạn: Bạn là người lao động và làm vị trí quản lý môi trường, chịu trách nhiệm vận tải bãi rác. Tuy nhiên bạn không cung cấp thông tin cụ thể công việc của bạn là như thế nào, do đó chưa thể xác định công việc của bạn có phải là công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay không. Trường hợp bạn thực hiện một trong các công việc được liệt kê trên (xúc, san bãi rác; chế biế rác; thu dọn rác bến tàu, xe; quét rác đường phố; lái, vận hành các loại các loại xe chuyên chở phân, rác) thì tiền lương của bạn cao hơn so với người lao động làm công việc trong điều kiện lao động bình thường, cụ thể cao hơn ít nhất 5% với công việc có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và cao hơn ít nhất 7% với công việc có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. 

 

Ngoài ra, Điều 141 Bộ luật lao động 2012 quy định chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật với người làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại như sau :

 

Người làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại được người sử dụng lao động bồi dưỡng bằng hiện vật theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội”.

 

 Điều 2 Thông tư 25/2013/TT-BLĐTBXH quy định điều kiện được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật:

 

1. Người lao động được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật khi có đủ các điều kiện sau: 

 

a) Làm các nghề, công việc thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành; 

 

b) Đang làm việc trong môi trường lao động có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, độc hại không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép theo quy định của Bộ Y tế hoặc trực tiếp tiếp xúc với các nguồn gây bệnh truyền nhiễm. Việc xác định các yếu tố quy định tại điểm b Khoản 1 Điều này phải được thực hiện bởi đơn vị đủ điều kiện đo, kiểm tra môi trường lao động theo quy định của Bộ Y tế (sau đây gọi tắt là đơn vị đo, kiểm tra môi trường lao động)”.

 

Theo đó, trường hợp bạn làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được liệt kê trên, đồng thời môi trường lao động có ít nhất 1 trong các yếu tố không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép theo quy định của Bộ y tế hoặc trực tiếp tiếp xúc với các nguồn bệnh truyền nhiễm thì ngoài mức lương bạn được hưởng cao hơn so với người lao động làm công việc bình thường thì bạn còn được bồi dưỡng bằng hiện vật. Mức bồi dưỡng được áp dụng theo đặc điểm điều kiện lao động quy định tại Phụ lục 1 Kèm theo Thông tư số 25/2013/TT-BLĐTBXH ngày 18 tháng 10 năm 2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. 

 

Trân trọng
P.Luật sư trực tuyến – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo