LS Dương Châm

Thẩm quyền giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao

Tôi là nguyên đơn trong vụ án về dân sự, vụ án đã được xét xử sơ thẩm và phúc thẩm tại Tòa án nhân dân của một tỉnh phía nam. Luật sư cho tôi hỏi, trường hợp tôi muốn làm đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm thì thẩm quyền giải quyết của Tòa án nào?

1. Quy định về thẩm quyền giám đốc thẩm

Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01//6/2015) thay thế cho Luật TCTAND 2002 có điểm mới trong cơ cấu tổ chức cấp Tòa án, theo đó, hệ thống tòa án nhân dân được chia thành 4 cấp (thay vì 3 cấp như trước đây):

- Tòa án nhân dân cấp quận/huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh và tương đương

- Tòa án nhân dân cấp tỉnh

- Tòa án nhân dân cấp cao

- Tòa án nhân dân tối cao

Có thể thấy, tòa án nhân dân cấp cao là một cấp tòa mới được quy định trong Luật TCTAND năm 2014. Điều 29 Luật tổ chức tòa án nhân dân năm 2014 thì Tòa án nhân dân cấp cao có nhiệm vụ và quyền hạn:

-  Phúc thẩm vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của luật tố tụng.

-  Giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng nghị theo quy định của luật tố tụng

2. Phạm vi thẩm quyền giám đốc thẩm theo lãnh thổ

Ngoài ra, phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ được phân định theo Nghị quyết 957/NQ-UBTVQH ngày 28/5/2015:

Tòa án cấp cao tại Hà Nội:

Có thẩm quyền theo lãnh thổ đối với 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Vĩnh phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.

Tòa án cấp cao tại Đà Nẵng:

Có thẩm quyền theo lãnh thổ đối với 12 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, gồm: Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Lắk.

Tòa án cấp cao tại TPHCM:

Có thẩm quyền theo lãnh thổ đối với 23 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, gồm: TPHCM, Cần Thơ, Bình Thuận, Ninh Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tây Ninh, Đắk Nông, Lâm Đồng, Hậu Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang và Kiên Giang.

Như vậy, đối với trường hợp bản án của bạn được kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm thì thẩm quyền giải quyết sẽ là Tòa án cấp cao tại TPHCM.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo