Vũ Thanh Thủy

Tặng cho quyền sử dụng đất nhằm đối trừ công nợ

Bài viết tư vấn về trường hợp đầu tư sửa chữa nhà cho bố mẹ có được thanh toán phần đó. Nội dung tư vấn như sau:

 

Bố em được thừa kế của bà nội nhà với s=34.9m2,và 1 phần đất sử dụng chung với nhà các bác làm sân chung và lối đi. Bố em vay nợ của 1 bác là chị gái bố tính cả gốc và lãi 2 tỷ, nay bác yêu cầu bố em phải tặng cho lại mảnh đất kèm theo nhà em đang ở cho bác. Bố em đã tặng cho bác mà không thông báo cho em.em năm nay 30 tuổi, hộ khẩu từ nhỏ sinh ra và lớn lên tại địa chỉ này. Theo hộ khẩu chỉ có 2 bố con. Em đang ở và đã xây sửa khoảng 300tr vào nhà này. Vậy anh chị cho hỏi em có quyền gì với mảnh đất bao gồm nhà đó? Đất này theo như di nguyện bà nội ko muốn các con bán đi. Nếu như muốn ở nhà này thì em phải thanh toán bao nhiu công nợ vì bố em vẫn còn tài sản khác

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tới Công ty Luật Minh Gia, với tình huống của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, Về hợp đồng tặng cho

 

Theo như bạn trình bày thì bố bạn có được thừa kế nhà đất của bà nội bạn, tuy nhiên do bố bạn có vay nợ chị gái cả gốc và lãi là 2 tỷ đồng và không có khả năng chi trả nên bố bạn đã tặng cho mảnh đất kèm theo ngôi nhà trên cho chị gái nhằm mục đích trừ nợ.

 

Điều 457 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Hợp đồng tặng cho tài sản như sau:

 

Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận.

 

Theo như quy định trên thì hợp đồng tặng cho tài sản thì bên tặng cho chuyển giao tài sản nhưng không yêu cầu đền bù. Nếu mà bố bạn tiến hành tặng cho phần nhà đất này nhưng nhằm mục đích trả nợ thì hợp đồng tặng cho này sẽ bị vô hiệu do vi phạm Điều 124 Bộ luật dân sự 2015:

 

Điều 124. Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo

 

1. Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan.

 

2. Trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó vô hiệu.

 

Về hậu quả khi hợp đồng tặng cho nhà đất trên vô hiêu:

 

Điều 131 BLDS 2015 quy định về Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu như sau:

 

"1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

 

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

 

Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

 

3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.

 

4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.

 

5. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định."

 

Theo đó khi Tòa án tuyên bố hợp đồng tặng cho này vô hiệu thì bố bạn và người chị gái sẽ phải trao trả cho nhau những gì hai bên đã nhận, tức là người chị gái phải trả lại đất và bố bạn có nghĩa vụ phải thanh toán số nợ 2 tỷ trên.

 

Thứ hai, chi phí là tăng giá trị ngôi nhà

 

Theo những thông tin bạn cung cấp thì ngôi nhà trên là di sản mà bà bạn để lại cho bố bạn, do đó đây được xác định là tài sản của bố bạn. Việc định đoạt ngôi nhà này hoàn toàn xuất phát từ ý chí của bố bạn mà không cần có sự đồng ý của bạn.

 

Điều 212 BLDS 2015 quy định:

 

"1. Tài sản của các thành viên gia đình cùng sống chung gồm tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.

 

2. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác."

 

Trường hợp không có thỏa thuận thì áp dụng quy định về sở hữu chung theo phần được quy định tại Bộ luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp quy định tại Điều 213 của Bộ luật này.

 

Bạn đã sống tại ngôi nhà này với bố bạn từ bé và đã có công sức đóng góp, cải tạo ngôi nhà với số tiền 300 triệu đồng. Theo đó, đối với ngôi nhà này sẽ do bố bạn và bạn thỏa thuận, Nếu như không thỏa thuận được với nhau , bạn có quyền khởi kiện lên Tòa án nhân dân quận huyện để yêu cầu được chia phần công sức đóng góp của bạn trong khối tài sản này

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Đào Thị Trà - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo