Lò Thị Loan

Thủ tục bố, mẹ tặng bất động sản (đnag thế chấp) cho con chưa thành niên

Luật sư tư vấn về vấn đề tặng cho con chưa thành niên đất sau khi ly hôn. Nội dung tư vấn như sau:


Nội dung câu hỏi: Xin chào luật sư. Tôi là hương quê phú thọ.tôi có câu hỏi xin luật sư tư vấn ạ.vợ chồng tôi kết hôn từ năm 2007. và mua được một căn nhà chung và tôi đứng tên bìa đỏ.đến năm 2014 do làm ăn chăn nuôi nên vợ chồng tôi đã vỡ nợ 300 triệu và toi đứng ra vay. đến 2015 thì vợ chồng tôi đã bàn nhau chuyển nhượng bìa sang tên chồng tôi.sau đó vợ chồng tôi đã vay ngân hàng tiếp tục làm ăn.do va chạm trong cuộc sống hàng ngày và chồng tôi có quan hệ với một đong nghiệp và muốn đi toi hôn nhân.sau đó anh ta làm đơn ly hôn đơn phương.chồng tôi chưa hề thỏa thuận gì voi tôi.nhung tôi chỉ thuận tình ly hôn khi1. chồng tôi phải tặng lại bìa đất cho hai con chung của chúng tôi nhung cháu đầu mới 9t,chau thứ 2 mới 7t. thì thủ tục phải làm như thế nào ạ2.Nếu tôi muốn chuyển bìa đất sang tên tôi thì tôi có phải trả hết số tiền vay không? hay số tiền đó phải chia đều hai vợ chồng tôi cùng trả a.3. hoặc nếu chồng tôi yều cầu chia tài sản chung là ngôi nhà đó nếu tôi và con tôi ở thì số tiền cấp dưỡng chuyển luôn vào số tiền nhà được không ạ xin luật sư tư vấn giúp tôi ạ .Tôi xin chân thành cảm ơn.

 

Trả lời: Cảm ơn chị đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của chị chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo thông tin chị nêu, 2015 chị làm ăn thua lỗ mà chị là người vay tiền nên hai vợ chồng đã thỏa thuận sang tên quyền sở hữu nhà cho riêng chồng chị (tức là chị đã làm thủ tục tặng cho ½ quyền sở hữu nhà đất của mình cho chồng chị) thì sau khi đăng ký sang tên là tài sản riêng của chồng chị. Do vậy bây giờ muốn tặng cho quyền sở hữu nhà cho con hay tặng cho chị thì phải phụ thuộc hoàn toàn vào ý chỉ của người chồng. Hơn nữa, do tài sản đang bị thế chấp nên bắt buộc phải có sự đồng ý bằng văn bản của ngân hàng đồng ý cho chuyển quyền sở hữu thì chồng chị mới có thể tiến hành các thủ tục hợp pháp.

 

Tài sản đang được thế chấp cho một khoản vay tín dụng nên muốn ngân hàng đồng ý cho chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản thì thông thường ngân hàng sẽ có thỏa thuận rằng buộc các bên liên quan nếu người vay không trả nợ ngân hàng thì ngân hàng vẫn có quyền xử lý tài sản đã đăng ký thế chấp. Do đó, dù chuyển cho con hay sang tên chị thì người vay vẫn tiếp tục trả nợ ngân hàng theo hợp đồng vay.

 

Thứ nhất, phương án hai vợ chồng muốn tặng cho quyền sử dụng đất đang bị thế chấp cho con.

 

Như đã nêu trên, tài sản đang bị thế chấp tại ngân hàng nên muốn tặng cho con phải có sự đồng ý bằng văn bản của Ngân hàng hoặc vợ chồng chị phải trả hết nợ ngân hàng hoặc thế chấp một tài sản khác cho khoản vay để xóa đăng ký thế chấp đối với tài sản đang muốn cho hai con hoặc có thỏa thuận khác nhằm đảm bảo được quyền xử lý tài sản đảm bảo của ngân hàng khi hết hạn mà anh, chị không trả hết khoản vay.

 

+ Thủ tục tặng cho con chưa thành niên

 

Khoản 3 Điều 21 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.”

 

Hiện tại con chị một cháu 9 tuổi, 1 cháu 7 tuổi nên khi con nhận tặng cho quyền sử dụng đất phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý. Mà hai vợ chồng anh, chị đang là người đại diện theo pháp luật của hai con khi xác lập các giao dịch dân sự. Tuy nhiên, Điều 141 Bộ luật dân sự thì vợ chồng chị không được nhân danh con chị để xác lập một giao dịch dân sự với chính mình hoặc với một bên khác mà chị cũng là đại diện của người đó. Do đó, mảnh đất là tài sản chung của vợ chồng chị, thì vợ chồng chị không thể vừa là bên tặng cho và vừa đại diện cho con nhận tặng cho. Bởi lẽ đó để tặng cho con chị quyền sử dụng đất thì vợ chồng chị có thể lựa chọn phương án sau:

 

Một là, giữ mảnh đất như tài sản chung của vợ chồng cho đến khi hai con của chị đủ 18 tuổi khi đó con có đủ năng lực hành vi dân sự và tự mình xác lập giao dịch dân sự. Tuy nhiên, phương án này phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí của hai bên tại thời điểm còn 18 tuổi về việc sẽ giữ mảnh đất này là tài sản tặng cho hai con của chị khi hai cháu đủ tuổi thành niên. Nếu có một trong hai vợ chồng thay đổi ý định và có quyền không tặng cho.

 

Hai là, đối với trường hợp hai chị không đủ điều kiện trông nom, chăm sóc con thì có thể cử giám giám hộ cho con chưa thành niên để thực hiện việc chăm sóc, bảo về quyền và lợi ích của con chưa thành niên. Lúc này, khi hai chị thực hiện việc tặng cho con quyền sử dụng đất thì người giám hộ sẽ đứng ra là người đại diện cho con chưa thành niên trong việc xác lập giao dịch này. Về các bước hướng dẫn tiến hành tặng cho đất của cha mẹ cho con thì chúng tôi đã có 1 bài viết cụ thể chị có thể tham khảo: Trình tự, thủ tục khi bố mẹ tặng cho con quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, phương án này có điểm hạn chế là khi bố mẹ không đủ điều kiện chăm sóc, nuôi con thì mới có căn cứ đăng ký giám hộ và sau khi đăng ký cử giám hộ thì cha và mẹ sẽ không còn phải là người đại diện cho con mà người giám hộ sẽ là người đại diện theo pháp luật cho con.

 

Thứ hai, phương án người chồng tặng cho quyền sở hữu nhà ở cho chị

 

Muốn chuyển quyền sở hữu tài sản đang thế chấp cho người vợ thì bắt buộc phải có sự đồng ý của ngân hàng. Việc ai là người tiếp tục trả nợ cho ngân hàng là do các bên thương lượng với nhau, tuy nhiên ngân hàng chỉ đồng ý khi thỏa thuận giữa các bên đảm bảo khả năng thu hồi nợ, nếu người vay không trả nợ thì ngân hàng vẫn có quyền xử lý tài sản đảm bảo.

 

Trường hợp hai vợ chồng không thỏa thuận được về vấn đề ai thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì ngân hàng sẽ không đồng ý cho chuyển quyền sở hữu tài sản. Và như vậy tài sản vẫn giữ nguyên hiện trạng hiện nay (tức là tài sản riêng của người chồng).

 

Thứ ba, về phương thức cấp dưỡng nuôi con sau khi hai vợ chồng chị ly hôn

 

Căn cứ  Điều 117 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về phương thức cấp dưỡng nuôi con như sau:

 

 Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần.

 

Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.”

 

Pháp luật không quy định cụ thể mức cấp dưỡng là bao nhiêu mà phải căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng, nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng và đương nhiên những chi phí này là chi phí hợp lý. Phương cấp dưỡng cũng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, hàng năm hoặc một lần tùy thuộc vào thỏa thuận của các bên.

 

Như vậy, sau khi ly hôn thì vợ chồng chị có thể thỏa thuận về mức cấp dưỡng và phương thức cấp dưỡng nuôi con, có thể cấp dưỡng luôn một lần (số tiền cấp dưỡng được trả luôn cùng với tiền nhà sau khi chia tài sản). Nếu hai vợ chồng không thoả thuận được mức cấp dưỡng, cũng như phương thức cấp dưỡng thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề chị hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, chị vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.


CV tư vấn: Nguyễn Thị Phương - Luật Minh Gia

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo