Nguyễn Kim Quý

Tài sản không phải vật để thế chấp vay nợ có bị tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sở hữu cho người khác không?

Tòa án đã xét xử tôi do vay nợ nhưng không trả. Tôi có mua trả góp một chiếc xe ô tô, giờ tôi muốn bán đi, chiếc ô tô không phải vật thế chấp vay nợ nhưng bên phía CSGT không cho tôi chuyển nhượng, sang tên.

Nội dung tư vấn: Chào anh (chị) cho e hỏi: Hiện tại e đang bị người ta kiện do e vay nợ ko có trả và được toà xử rồi. Nhưng e có mua một chiếc xe oto trả góp nhưng trong điều kiện này ko có khả năng trả góp nên phải bán xe đi nhưng khi bán xe cho người khác không phải là bán cho bên chủ nợ thì bên chủ nợ lại gửi giấy tới phòng CSGT yêu cầu phong tỏa chiếc xe mặc dù xe ko phải là vật để thế chấp vay nợ. Nên bên mua xe ko được sang tên.Vậy luật sư cho e hỏi: - Phòng CSGT có quyền ko cho rút hồ sơ để làm thủ tục sang tên đổi chủ ko ạ. - Nếu thế e cần viết đơn gửi Phòng CSGT như thế nào ạ. Và xin luật sư cho e xin mẫu được không ạ. E xin chân thành cảm ơn (xin luật sư trả lời sớm giúp e)

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia, với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Bạn bị kiện do không có khả năng trả nợ và được Tòa án xét xử, vì bạn không nói rõ là mình đã thực hiện xong nghĩa vụ với bên chủ nợ chưa nên có thể chia thành 2 trường hợp.

 

Trường hợp thứ nhất, nếu bạn đã thực hiện xong hết những nghĩa vụ của mình với bên chủ nợ theo quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, nghĩa vụ của bạn với bên phía chủ nợ đã chấm dứt hoặc chiếc xe của bạn không nằm trong danh sách tài sản bị kê biên để đảm bảo thi hành án thì việc bạn chuyển nhượng, tặng cho chiếc xe thuộc quyền sở hữu của mình cho người khác là hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của bạn mà chủ nợ của bạn sẽ không có quyền ngăn cản việc bạn chuyển nhượng chiếc xe này. Bạn có thể yêu cầu Phòng CSGT trả lời bạn bằng văn bản về lý do từ chối cho bạn chuyển nhượng, nếu lý do là do chủ nợ của bạn có đơn yêu cầu CSGT không cho chuyển nhượng, bạn có thể đem văn bản này cùng đơn khiếu nại đến thủ trưởng cơ quan CSGT hoặc thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp để được giải quyết.

 

Trường hợp thứ hai, sau khi Tòa án xét xử, bạn vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ hoặc chưa thực hiện xong nghĩa vụ với chủ nợ của mình thì bạn vẫn phải có trách nhiệm thực hiện hết phần nghĩa vụ đó. Nếu chủ nợ của bạn nhận thấy hành vi của bạn có dấu hiệu của việc tẩu tán tài sản nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ thì chủ nợ của bạn có quyền gửi đơn yêu cầu cơ quan Thi hành án ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản này theo quy định tại Điều 69 Luật Thi hành án Dân sự 2008 sửa đổi, bổ sung 2014:

 

“Điều 69. Tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản

 

1. Trường hợp cần ngăn chặn hoặc phát hiện đương sự có hành vi chuyển quyền sở hữu, sử dụng, tẩu tán, hủy hoại, thay đổi hiện trạng tài sản, trốn tránh việc thi hành án, Chấp hành viên ra quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản của người phải thi hành án, tài sản chung của người phải thi hành án với người khác.

 

2. Quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản phải được gửi ngay cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản đó.

 

3. Chấp hành viên yêu cầu đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp các giấy tờ, tài liệu cần thiết để chứng minh quyền sở hữu, sử dụng; thông báo cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về quyền khởi kiện yêu cầu xác định quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản.

 

Trường hợp cần thiết, Chấp hành viên phải xác minh, làm rõ hoặc yêu cầu Tòa án, cơ quan có thẩm quyền xác định quyền sở hữu, sử dụng tài sản để thi hành án, giải quyết tranh chấp tài sản; yêu cầu hủy giấy tờ, giao dịch liên quan đến tài sản theo quy định của pháp luật.

 

4. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có căn cứ xác định tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án, Chấp hành viên phải ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Chương IV của Luật này; trường hợp có căn cứ xác định tài sản không thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án thì Chấp hành viên phải ra quyết định chấm dứt việc tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản.”

 

Sau khi có quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án của cơ quan Thi hành án thì cơ quan CSGT sẽ tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu chiếc xe của bạn cho người khác. Cơ quan CSGT sẽ chỉ dừng việc việc đăng ký sang tên chiếc xe khi có quyết định áp dụng biện pháp tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu của cơ quan Thi hành án đối với chiếc xe của bạn chứ không thể tự ý dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu chiếc xe khi có đơn yêu cầu của bên phía chủ nợ của bạn được. Nếu bạn có căn cứ cho rằng bên phía CSGT dừng việc chuyển quyền sở hữu chiếc xe mà không phải do có quyết định của cơ quan Thi hành án, bạn có quyền khiếu nại lên thủ trưởng cơ quan CSGT hoặc thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan đó.

 

Trân trọng

Phòng tư vấn pháp luật Dân sự - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo