Luật sư Phùng Gái

Sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ bản di chúc chung vợ chồng?

Câu hỏi tư vấn: Từ năm 1991 đến 2003: Bố mẹ tôi rất nhiều lần cho 3 anh em ruột tôi 3 gian nhà đã chia riêng biệt cho tên 3 người (Tôi còn giữ biên bản họp gia đình,quyết định phân chia tài sản.....mà tất cả thành viên trong gia đình đã ký).

 

 Đến 2003: Bố mẹ tôi cùng viết di chúc chung cho 3 người con trai đúng như những lần họp gia đình đã quyết định trước đây tại phòng Công chứng nhà nước, có xác nhận và còn bản lưu tại phòng Công Chứng. 

 

Năm 2005, bố tôi ốm nhưng không hề mất năng lực hành vi dân sự (có giấy ra viện của BV), không có quyết định của Tòa là đã mất năng lực hành vi dân sự. Thì mẹ tôi lại đi đánh máy 01 bản di chúc khác mà không hề hỏi ý kiến bố tôi và tại thời điểm đó, bà vẫn chưa được công nhận là giám hộ cho bố tôi. Sau khi có bản di chúc 2 tháng, bà mới được UBND phường ra quyết định công nhận là giám hộ cho bố tôi.

 

Di chúc của mẹ tôi chỉ cho 2 con gái và chia cho 2 cô cả những phần đất lưu không chưa có GCN quyền sử dụng đất. Cụ thể, bà chỉ có 10m2 trong sổ đỏ nhưng bà lại chia cho 2 cô là 25,5 m2, trong đó 15,5 m2 là chưa có giấy tờ.

 

Vậy luật sư làm ơn cho tôi hỏi như sau:

 

1) Bản di chúc của mẹ tôi có hợp pháp không?

 

2) Phần đất lưu không của nhà tôi là 27m2,không có chanh chấp với hộ nào trong số nhà,và được xây riêng biệt của nhà tôi từ năm 1991.Bố mẹ và gia đình tôi ở đó từ 1955 gian nhà của tôi nằm hoàn toàn trên đất lưu không.Tòa sơ thẩm quận vẫn chia phần đất lưu không đó thì có đúng pháp luật không?  Trước khi sơ thẩm,Thẩm phán nói với chúng tôi:..."Tòa án không có trách nhiệm và quyền hạn phân chia đất lưu không..." Nhưng khi nhận QĐ bản án,thì lại thấy Tòa chia cả đất lưu không. Trân thành cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

- Thứ nhất, di chúc chung vợ chồng.

 

Trong trường hợp di chúc chung vợ, chồng được lập thì việc bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc do một vợ hoặc chồng thực hiện chỉ hợp pháp khi có sự đồng ý của người còn lại hoặc thay thế nội dung trong phạm vi tài sản của mình khi người còn lại đã mất. Cụ thể, theo quy định của Bô luật dân sự năm 2005 về di chúc chung vợ, chồng. Cụ thể:

 

 

Điều 663. Di chúc chung của vợ, chồng

 

Vợ, chồng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung.

 

Điều 664. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc chung của vợ, chồng

 

1. Vợ, chồng có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc chung bất cứ lúc nào.

 

2. Khi vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc chung thì phải được sự đồng ý của người kia; nếu một người đã chết thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình.

 

Như vậy, đối chiếu quy định trên với trường hợp thực tế của bạn thì do thời điểm năm 2003, bố mẹ bạn cùng viết di chúc chia di sản cho 3 người con có công chứng của cơ quan nhà nước và có bản lưu tại phòng công chứng. Tuy nhiên, đến năm 2005 mẹ bạn đã lập lại bản di chúc khác (để lại di sản cho hai người con gái gồm diện tích đất đã được công nhận và diện tích đất chưa được công nhận quyền sử dụng đất) để thay thế cho bản di chúc trước đó trong khi không có sự đồng ý của bố bạn (thời điểm đó bố bạn vẫn còn sống, minh mẫn). Do đó, bản di chúc của mẹ bạn không hợp pháp, không được nhà nước công nhận.

 

Đối với việc giải quyết liên quan tới chia phần đất lưu không của gia đình là 27m2 của Tòa án sơ thẩm có đúng quy định pháp luật. Do bạn không cung cấp chính xác nội dung của bản án nên không thể đưa ra khẳng định việc phân chia của Tòa án là có căn cứ hay không. Tuy nhiên, liên quan tới đất lưu không thì do không có văn bản pháp luật nào về vấn đề xác định đất lưu không cả, mà phần diện tích đất gia đình nêu có thể hiểu đó là diện tích đất thuộc hành lang giao thông. Nên trong trường hợp này sẽ phải xác định diện tích đất thuộc hành lang này có được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao, xác nhận cho phép sử dụng hay không. Trường hợp, không được công nhận thì đương nhiên mẹ bạn cũng không có quyền để lại di sản và việc Tòa án phân chia phần diện tích đất này là không phù hợp quy định pháp luật.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ bản di chúc chung vợ chồng?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng


CV P.Gái - công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo