Luật sư Trần Khánh Thương

Sử dụng tiền sai mục đích cho khoản bảo lãnh

Câu hỏi: Luật sư cho hỏi về việc sử dụng khoản vay sai với yêu cầu bảo lãnh như sau: Gia đình tôi có đồng ý thế chấp cho 1 công ty bà bạn mở bảo lãnh tiền tạm ứng tại 1 Ngân hàng. Sau khi tiền về công ty này đã không sử dụng tiền sai mục đích ( rút tiền sử dụng vào mục đích cá nhân, gia đình tôi chứng minh được việc này) dẫn đến việc Ngân hàng phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của mình và yêu cầu gia đình tôi phải hoàn trả cho Ngân hàng khoản thanh toán bảo lãnh trên.

 

Tôi muốn hỏi quyền hạn và nghĩa vụ của gia đình tôi trong trường hợp này, gia đình tôi có quyền yêu cầu Ngân hàng giải trình dòng tiền của khoản bảo lãnh không.

 

Trả lời: Chào anh/chị! Cảm ơn anh/chị đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn, trường hợp của anh/chị, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Căn cứ theo Điều 463 – Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về hợp đồng vay tài sản như sau:

 

Điều 463. Hợp đồng vay tài sản

 

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

 

Theo đó, hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, nếu trong hợp đồng này có quy định rõ ràng mục đích của hợp đồng vay, thì bên vay phải tuân thủ theo thỏa thuận đó mà không được sử dụng tài sản vay vào mục đích khác. Nếu hợp đồng ghi nhận tài sản vay chỉ được sử dụng vào một mục đích nhất định mà bên vay lại sử dụng vào mục đích khác, thì có thể coi bên vay đang vi phạm nghĩa vụ của hợp đồng vay.

 

Nếu vi phạm nghĩa vụ của hợp đồng, tùy theo thỏa thuận giữa các bên được ghi nhận tại hợp đồng vay mà bên cho vay có thể yêu cầu bên vay thực hiện nghĩa vụ phạt vi phạm hợp đồng, bồi thường thiệt hại hoặc chấm dứt hợp đồng,…

 

Đối chiếu với trường hợp gia đình anh/chị "Gia đình tôi có đồng ý thế chấp cho 1 công ty bà bạn mở bảo lãnh tiền tạm ứng tại 1 Ngân hàng" Thông tin anh chị cung cấp còn quá sơ sài, chưa đủ cơ sở để chúng tôi nhận định vấn đề. Tuy nhiên, nếu trường hợp của anh chị là dùng tài sản của mình, thể chấp cho ngân hàng để đảm bảo nghĩa vụ bảo lãnh cho một người bạn thì anh chị có quyền và nghĩa vụ của bên bảo lãnh.

 

Khi vai trò của anh chị trong hợp đồng vay tài sản này là người bảo lãnh. Bộ luật Dân sự 2015 cũng có quy định về bảo lãnh như sau:

 

Điều 335. Bảo lãnh

1. Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

2. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

 

Điều 342. Trách nhiệm dân sự của bên bảo lãnh

1. Trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ đó.

2. Trường hợp bên bảo lãnh không thực hiện đúng nghĩa vụ bảo lãnh thì bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bên bảo lãnh thanh toán giá trị nghĩa vụ vi phạm và bồi thường thiệt hại.

 

Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 317 – Bộ luật Dân sự 2015 về thế chấp tài sản và nghĩa vụ của bên thế chấp được quy định tại Điều 320 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:

 

Điều 320. Nghĩa vụ của bên thế chấp

6. Giao tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp để xử lý khi thuộc một trong các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm quy định tại Điều 299 của Bộ luật này.

 

Nếu anh chị thế chấp tài sản của mình để đứng ra bảo lãnh cho một đối tượng khác vay tiền thì khi bên vay vi phạm nghĩa vụ về mục đích sử dụng khoản vay, mà trong hợp đồng có thỏa thuận việc vi phạm đó là căn cứ để bên ngân hàng yêu cầu lập tức trả lại tài sản vay trước thời hạn, thì anh chị sẽ phải đứng ra thực hiện thay nghĩa vụ trả nợ cho người này nếu tại thời điểm yêu cầu trả nợ người này không thể trả hoặc trả không đủ số tiền đã vay. Vì đã thế chấp tài sản thuộc sở hữu của mình để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, tài sản của anh chị có thể bị giao cho ngân hàng xử lý để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ của bên vay. 

 

Tuy nhiên, trong trường hợp không có thỏa thuận buộc bên vay phải thực hiện nghĩa vụ được trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc nếu có yêu cầu trả lại tài sản vay mà người bạn của anh chị (bên vay tài sản) có đủ khả năng thanh toán nghĩa vụ trả nợ, thì việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay người này sẽ không đặt ra với anh chị.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Sử dụng tiền sai mục đích cho khoản bảo lãnh. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

Khánh Thương - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo