Đinh Thị Minh Nguyệt

Số tiền đã chi dư cho khách có đòi lại được không?

Thực tế cho thấy không ít người vì sơ suất đã chi trả nhầm tiền cho khách rồi không biết phải xử lý như thế nào. Vậy trong trường hợp này cách giải quyết ra sao? Làm thế nào để đòi lại số tiền đã thanh toán nhầm? Nếu người nhận tiền không trả lại thì có bị khởi tố không?

Nội dung câu hỏi: Tôi là một nhân viên kế toán, tôi vừa vào làm ở chỗ mới được hơn 1 tháng, tôi đảm nhận nhiều khâu do làm cho tư nhân. Trong mấy ngày rồi tôi có tính toán 1 khoản chi thanh toán cho khách hàng, do không cẩn thận nên tôi tính sổ nhầm chi dư 20 triệu đồng. Trong trường hợp này tôi có thể đòi lại số tiền đã chi cho khách hàng đó không, tôi có số liệu để chứng minh mình chi dư tiền, hay phải bỏ tiền ra bù lại. Và về phía doanh nghiệp tư nhân tôi đang làm tôi có phải chịu trách nhiệm gì không. Cảm ơn luật sư đã tư vấn cho tôi, tôi mong nhận được hồi âm sớm.

Trả lời câu hỏi: Cảm ơn anh/chị đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, trường hợp này chúng tôi tư vấn cho anh/chị như sau:

Thứ nhất, về vấn đề lấy lại số tiền chi trả nhầm

Theo thông tin anh/chị cung cấp, do không cẩn thận nên đã thanh toán nhầm, chi dư cho khách hàng với số tiền là 20 triệu đồng. Căn cứ theo quy định pháp luật dân sự, doanh nghiệp bạn đang làm là chủ sở hữu tài sản (20 triệu đồng) và có các quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản.

Theo quy định tại Điều 185 BLDS 2015 về bảo vệ việc chiếm hữu thì:

“Trường hợp việc chiếm hữu bị người khác xâm phạm thì người chiếm hữu có quyền yêu cầu người có hành vi xâm phạm phải chấm dứt hành vi, khôi phục tình trạng ban đầu, trả lại tài sản và bồi thường thiệt hại hoặc yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người đó chấm dứt hành vi, khôi phục tình trạng ban đầu, trả lại tài sản và bồi thường thiệt hại.”

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 579 BLDS 2015 quy định về nghĩa vụ hoàn trả thì:

“Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 của Bộ luật này…”

Đối chiếu với quy định nêu trên, trong trường hợp này, người đang giữ 20 triệu đồng do anh/chị thanh toán nhầm là hành vi chiếm giữ bất hợp pháp và doanh nghiệp anh/chị đang làm có thể đòi lại tài sản của mình.

Trường hợp người đang chiếm giữ tài sản của doanh nghiệp không chịu trả lại số tiền 20 triệu đồng do anh/chị chi trả dư. Khi có đủ căn cứ chứng minh tài sản đó là của mình, anh/chị có thể tố cáo hình sự người đó với cơ quan công an.

Căn cứ theo Điều 176 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về tội chiếm giữ trái phép tài sản:

“1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là  di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”

Căn cứ theo quy định trên, nếu người đang chiếm giữ tài sản bất hợp pháp của doanh nghiệp anh/chị đang làm cố tình không trả lại số tài sản này, anh/chị có thể viết đơn tố cáo người đó về việc cố tình không trả lại tài sản lên cơ quan điều tra công an huyện nơi hành vi chiếm giữ tài sản trái phép đó diễn ra.           

Thứ hai, về vấn đề bồi thường thiệt hại

Căn cứ Điều 585 Bộ luật dân sự năm 2015 về nguyên tắc bồi thường thiệt hại quy định:

“1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.”

Ngoài ra, Khoản 1 Điều 129 Bộ luật lao động năm 2019 về Bồi thường thiệt hại có quy định như sau:

“1. Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật hoặc nội quy lao động của người sử dụng lao động.

Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định tại khoản 3 Điều 102 của Bộ luật này…”

Trường hợp này, vì anh/chị có hành vi gây thiệt hại tài sản của doanh nghiệp, do đó anh/chị có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề anh/chị yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác anh/chị vui lòng gửi câu hỏi đến Luật Minh Gia để được giải đáp.

Trân trọng./.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo