Nguyễn Thu Trang

Sang tên sở hữu nhà ở trong trạng thái không nhận thức và làm chủ được hành vi ?

Tư vấn về trường hợp sang tên nhà ở trong trạng thái không nhận thức và làm chủ được hành vi và thủ tục khởi kiện tranh chấp về bất động sản

Câu hỏi: Ông bà em có 7 ng con. Khi ông mất, ông để lai cho bà căn nhà. Sau đó, bà bị tai biến k ý thức được. Cậu con trai út chở bà ra phường lăn tay Nhưng trong khi đó 6 anhchi em còn lại chưa đồng ý và ko biết cậu út đã chở bà ra lăn tay chuyển tên, và trong gia đình ko có bất cứ ai đứng ra làm chứng. Bây giờ cậu con trai út, nhượng quyền cho vợ và hai vợ chồng muốn chiếm của chung thành riêng và chuẩn bị đập nhà này xây nhà mới. Vậy gia đình em muốn kiện thưa thì phải làm thế nào và hành vi đó của cậu út có trái phâp luật ko???

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, hiệu lực của giao dịch dân sự

 

Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự được quy định tại Điều 117 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:

 

1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

 

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

 

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

 

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

 

2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định…”

 

Trường hợp của bạn, bà của bạn bị tai biến và không có khả năng nhận thức và làm chủ hành vi. Căn cứ theo quy định tại Điều 22 Bộ luật dân sự năm 2012 về mất năng lực hành vi dân sự thì:

 

“ 1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần…”

 

Do đó, bà của bạn được coi là mất năng lực hành vi dân sự khi có quyết định của Tòa án tuyên mất năng lực hành vi dân sự. Vì thế, nếu bà của bạn chưa có quyết định của Tòa án tuyên bà mất năng lực hành vi dân sự thì gia đình bạn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bà bạn bị mất năng lực hành vi dân sự. Sau đó, người đại diện của bà bạn có thể yêu cầu Tòa án tuyên giao dịch dân sự vô hiệu theo quy định tại Điều 125 Bộ luật dân sự năm 2015 nếu trong thời gian bà bạn xác lập giao dịch dân sự bà không có khả năng nhận thức và làm chủ hành vi.

 

Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự: Theo quy định tại Khoản 1,2 Điều 11 Bộ luật dân sự thì:

 

1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

 

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận…”

 

Theo đó thì hậu quả của giao dịch dân sự trên là không làm phát sinh quyền sở hữu nhà ở của cậu con trai út, các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Do đó, cậu con trai út phải hoàn trả lại cho bà bạn ngôi nhà đó.

 

Thứ hai, cậu con trai út đang chuẩn bị đập nhà cũ đi xây nhà mới

 

Người đại diện hợp pháp của bà bạn có thể làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về bất động sản nộp tại Tòa án cấp huyện nơi có bất động sản theo quy định tại các điều 26, 35, điểm c khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

 

Nội dung của đơn khởi kiện được quy định tại khoản 4 Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, bao gồm:

 

“ a) Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;

 

b) Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;

 

c) Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người khởi kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).

 

Trường hợp các bên thỏa thuận địa chỉ để Tòa án liên hệ thì ghi rõ địa chỉ đó;

 

d) Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có);

 

đ) Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người bị kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện;

 

e) Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có);

 

Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

 

g) Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

 

h) Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);

 

i) Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện…”

 

Trong quá trình giải quyết vụ án, từ khi nhận đơn khởi kiện, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định tại Điều 111 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015:

 

“ 1. Trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án quy định tại Điều 187 của Bộ luật này có quyền yêu cầu Tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật này để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án…”

 

Do đó, trong quá trình giải quyết vụ án, bắt đầu từ khi nộp đơn khởi kiện, người đại diện hợp pháp của bà bạn có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để ngăn chặn hành vi đập nhà cũ xây nhà mới của cậu con trai út.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Hoàng Hằng - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo