Nguyễn Thu Trang

Rút tiền tiết kiệm của người chết không có di chúc thế nào?

Những người thừa kế có được rút tiền tiết kiệm của người đã mất không? Quy trình, thủ tục rút tiền tiết kiệm của người mất như thế nào? Những ai là người có quyền rút? … Thắc mắc trên là hoàn toàn chính đáng khi người để lại di sản có giửi tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng. Luật Minh Gia giải đáp các vấn đề trên như sau:

1. Tư vấn pháp luật thừa kế liên quan đến sổ tiết kiệm

Quan hệ thừa kế là một trong những quan hệ cơ bản của pháp luật dân sự, việc thừa hưởng của những người có quyền hưởng di sản đối với tài sản của người đã mất là yêu cầu hoàn chính đáng. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm rõ các quy định pháp luật về thừa kế tài sản, đặc biệt là các loại tài sản như: tiền tiết kiệm ngân hàng, cổ phần trong công ty, phần vốn góp trong các tổ chức kinh tế,…

Nếu bạn có thắc mắc về những vấn đề trên, hãy gửi câu hỏi của bạn về Email của công ty Luật Minh Gia để được hướng dẫn tư vấn. Ngoài ra, để hiểu rõ thêm thông tin cũng như đối chiếu vào trường hợp của mình, bạn có thể tham khảo tình huống Luật Minh Gia tư vấn sau đây:

2. Hỏi về thừa kế số tiền tiết kiệm trong thẻ tiết kiệm

Câu hỏi:

Cho tôi hỏi thắc mắc về rút tiền từ sổ tiết kiểm của người thân đã mất như sau: Bố, mẹ tôi sinh được 3 người con gái, tôi là con út. Bố tôi mất cách đây mấy tháng, và bây giờ mẹ tôi cũng mất đột ngột và không có di chúc gì cho chị em tôi. Hôm đi cấp cứu, mẹ tôi đau nhưng vẫn tỉnh táo bình thường, thế nên mẹ nghĩ chỉ bị bệnh nặng và phải nằm viện một thời gian, mẹ có nói chuyện với tôi và con trai tôi, dặn tôi truyền đạt lại với chị cả tôi là:

Nếu mẹ có làm sao thì mẹ còn quyển sổ tiết kiệm và tiền trong tủ, hai chị em lo cho mẹ chứ không phải bỏ tiền của các con, tuyệt đối không để cho chị thứ hai được biết. Lúc đó thì cả mẹ tôi và tôi đều không nghĩ đến vấn đề sổ tiết kiệm mang tên ai và thủ tục lấy thế nào, vì chỉ lo làm sao cứu được để mẹ sống và về nhà với con với cháu thôi. Giờ nếu tôi và chị cả muốn rút sổ tiết kiệm đó của bà mà lại không để cho chị thứ hai biết (theo ý nguyện của bà) thì có rút được không, và thủ tục như thế nào, mong Quý Công ty tư vấn cho tôi cách giải quyết. Xin chân thành cảm ơn!

Trả lời tư vấn:

Cảm ơn bạn đã gửi nội dung tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với thắc mắc của bạn, chúng tôi xin đưa ra ý kiến tư vấn như sau:

Theo thông tin bạn cung cấp thì bố mẹ chị đã mất không để lại di chúc và mẹ chị để lại một quyển sổ tiết kiệm. Như vậy, chị cần xác định số tiền trong sổ tiết kiệm là tài sản chung của bố mẹ hay tài sản riêng của mẹ để xác định di sản của từng người để tiến hành chia di sản đúng quy định của pháp luật.

Thứ nhất, chia di sản thừa kế của bố mẹ

+ Chia di sản của mẹ:

Do trước khi mất mẹ chị chỉ nói miệng lại với chị về ý nguyện của mẹ nên được hiểu là mẹ để lại di chúc miệng. Tuy nhiên hiện nay việc để lại di chúc miệng chỉ hợp pháp khi đáp ứng quy định tại Khoản 5 Điều 630 Bộ luật dân sự năm 2015:

“5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.”

Nếu di chúc miệng của mẹ không hợp pháp thì di sản của mẹ sẽ được chia theo quy định của pháp luật cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất (bao gồm ông bà ngoại của chị (nếu còn sống), ba chị em) theo quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015:

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

Như vậy nếu di chúc miệng không hợp pháp thì chị hai của chị vẫn được chia di sản thừa kế của mẹ để lại trừ trường hợp chị không được hưởng di sản thừa kế theo quy định tại điều 621 Bộ luật dân sự năm 2015.

+ Chia phần di sản thừa kế của bố tương tự như phần di sản thừa kế của mẹ.

Thứ hai, thủ tục rút sổ tiết kiệm tại ngân hàng

Để rút được sổ tiết kiệm là di sản thừa kế mà mẹ bạn để lại (hoặc bố mẹ bạn để lại) thì trước hết những người là đồng thừa kế phải tiến hành họp để thỏa thuận phân chia di sản thừa kế.

- Hồ sơ yêu cầu công chứng, chứng thực gồm:

+ Giấy chứng tử của người mất;

+ Giấy chứng minh quyền tài sản: sổ tiết kiệm;

+ Giấy chứng minh quan hệ của các đồng thừa kế với người để lại di sản: Giấy khai sinh của người thừa kế, sổ hộ khẩu..;

+ Giấy tờ tùy thân của các đồng thừa kế: chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu….

Như vậy, theo các quy định trên thì để có thể rút sổ tiết kiệm của mẹ bạn thì cần có sự thỏa thuận, đồng ý của tất cả các đồng thừa kế trong đó bao gồm cả người chị hai của bạn. Trừ trường hợp chị hai của bạn thuộc đối tượng không được hưởng thừa kế theo quy định tại Điều 621 Bộ luật dân sự năm 2015.

Trên đây là nội dung tư vấn về: Rút tiền tiết kiệm của người mất không có di chúc thế nào?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn liên hệ bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo