LS Thanh Hương

Rủi ro khi nhận cầm cố tài sản phạm tội

Tôi là chủ hộ kinh doanh dịch vụ cầm đồ đã được cấp giấy phép kinh doanh. Gần nhà tôi là một anh bạn có quen biết, anh ấy đã được một người bạn khác nhờ đem 5 lần mỗi lần một chiếc xe ô tô 4 chỗ không chiếc xe nào có đăng ký gốc.

Chào luật sư, tôi có vấn đề xin luật sư tư vấn giúp như sau:
Tôi là chủ hộ kinh doanh dịch vụ cầm đồ đã được cấp giấy phép kinh doanh. Gần nhà tôi là một anh bạn có quen biết, anh ấy đã được một người bạn khác nhờ đem 5 lần mỗi lần một chiếc xe ô tô 4 chỗ không chiếc xe nào có đăng ký gốc cả rồi đến cầm cố cho tôi để lấy tiền cho bạn anh ấy. Tôi không làm hợp đồng gì với anh bạn tôi nhưng đến chiếc xe thứ 2, anh ấy ký một giấy vay tiền với tôi là100 triệu. Tiếp 3 chiếc xe sau anh ấy ký xác nhận tiếp vào giấy vay tiền là 150 triệu. Tổng cộng cả 2 lần anh ấy ký nhận với tôi là 250 triệu, sau đó tôi lại ký tiếp một giấy vay tiền có tổng của 2 giấy mà anh bạn tôi đã ký là 250 triệu rồi đưa cho bạn tôi và anh ấy lại đem về đưa cho bạn của anh ấy ký. Giấy vay đó chỉ có chữ ký của tôi và bạn anh ấy. Sau một thời gian tôi bị công an thu cả 5 xe ô tô đó vì xe là do bạn của bạn tôi đi lừa đảo ngươi khác rồi nhờ anh bạn tôi đem cầm cố cho tôi để lấy tiền tiêu xài cá nhân và hiện nay bạn của anh ấy đang bị tạm giam nhưng anh bạn tôi là người cầm cố hộ không lấy đồng tiền nào nên không bị công an bắt.
Như vậy xin luật sư giúp tôi về số tiền trên tôi có được lấy về không, ai là người phải trả cho tôi và tôi có được pháp luật bảo hộ nếu anh bạn tôi không trả tiền cho tôi không. Tôi có bị vi phạm gì không?
Xin cám ơn luật sư!

Trả lời

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:
 
Về số tiền cầm cố
 
Bạn cho biết giấy vay nợ có chữ ký của bạn và người đem cầm ô tô – tạm gọi là A, đây chính là hợp đồng cầm cố xác lập giữa bạn và A. Theo quy định của pháp luật, khi A không thể trả số tiền đã lấy thì tài sản mà A cầm cố sẽ thuộc sở hữu của bạn. Nhưng xe đã bị công an tịch thu nên bạn có quyền đòi lại A số tiền đã lấy, do A là một bên trong hợp đồng cầm cố. Đối với người bạn của bạn – tạm gọi là B, bạn không có quyền đòi B vì B không ký vào giấy vay nợ, không liên quan tới hợp đồng cầm cố giữa bạn và A.
Tại Điểm i Khoản 2 Điều 6 Thông tư 33/2010/TT-BCA, quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân làm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự:
 
i) Dịch vụ cầm đồ
- Khi thực hiện dịch vụ cầm đồ chủ cơ sở kinh doanh phải lập hợp đồng theo quy định. Người đến cầm đồ, thế chấp phải xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng để chủ cơ sở kiểm tra, đối chiếu và photocopy lưu lại tại cơ sở.
- Đối với những hàng hóa, tài sản cầm đồ thuộc sở hữu của người thứ ba phải có giấy ủy quyền hợp lệ của chủ sở hữu.
- Không được nhận cầm đồ đối với hàng hóa, tài sản không rõ nguồn gốc hoặc tài sản do các hành vi vi phạm pháp luật mà có.
- Khi có nghi ngờ hàng hóa, tài sản do phạm tội mà có phải thông báo ngay với cơ quan Công an có thẩm quyền kiểm tra, xử lý”.
 
Rõ ràng pháp luật quy định không được nhận cầm cố với tài sản không rõ nguồn gốc nhưng bạn vẫn nhận cầm cố 5 chiếc ô tô mà không chiếc nào có giấy đăng ký xe. Như vậy, bạn đã không tuân thủ các quy tắc mà pháp luật đưa ra, nên khi bạn không đòi được tiền từ A thì bạn phải gánh chịu rủi ro.
 
Xem xét trách nhiệm hành vi của bạn
 
Theo Khoản 2 Điều 11 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực An ninh, trật tự, an toàn xã hội; Phòng, chống tệ nạn xã hội; Phòng cháy và chữa cháy; Phòng chống bạo lực gia đình:
 
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Kinh doanh không đúng ngành, nghề, địa điểm ghi trong giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự;
b) Thay đổi người đứng đầu doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, người đại diện theo pháp luật của cơ sở kinh doanh mà không có văn bản thông báo với cơ quan có thẩm quyền;
c) Cho mượn, cho thuê, mua, bán giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật;
d) Nhận cầm cố tài sản mà theo quy định tài sản đó phải có giấy tờ sở hữu nhưng không có các loại giấy tờ đó;
đ) Nhận cầm cố tài sản nhưng không có hợp đồng theo quy định;
e) Cầm cố tài sản thuộc sở hữu của người khác mà không có giấy ủy quyền hợp lệ của người đó cho người mang tài sản đi cầm cố;
g) Bảo quản tài sản cầm cố không đúng nơi đăng ký vi Cơ quan có thẩm quyền;
h) Hoạt động kinh doanh vũ trường, trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, casino nhưng không có bảo vệ là nhân viên của công ty kinh doanh dịch vụ bảo vệ theo quy định;
i) Bán hoặc cho thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên cho những đối tượng không có giấy phép sử dụng loại thiết bị trên của cơ quan có thẩm quyền”.
 
Ô tô là loại tài sản phải có giấy tờ sở hữu – giấy đăng ký xe, nhưng bạn lại nhận cầm cố 5 ô tô mà không xe nào có giấy đăng ký. Bạn đã vi phạm Điểm d điều luật đã dẫn trên nên sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 2 triệu -  5 triệu.
 
Nếu bạn biết 5 chiếc ô tô là tài sản do lừa đảo nhưng vẫn nhận cầm cố thì sẽ bị xử phạt hành chính theo Khoản 4 Điều 11 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:
 
4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Sử dụng cơ sở kinh doanh ngành, nghề có điều kiện về an ninh, trật tự để tổ chức hoạt động tệ nạn xã hội hoặc các hành vi vi phạm pháp luật;
b) Cầm cố tài sản do trộm cắp, lừa đảo, chiếm đoạt hoặc do người khác phạm tội mà có”.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Rủi ro khi nhận cầm cố tài sản phạm tội. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng


Chuyên viên Khánh Linh - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo