Triệu Lan Thảo

Quyền thừa kế tài sản khi cha mất

Xin chào công ty luật Minh Gia! Xin quý công ty tư vấn giúp tôi câu hỏi về quyền thừa kế tài sản khi cha mất như sau: "Bố đẻ tôi là con trai trưởng trong gia đình, nhà còn có chú tôi là con trai thứ là em ruột của bố tôi và 2 bác gái là con cùng cha khác mẹ với bố tôi. Bà nội tôi mất năm 1988 và có yêu cầu họp gia đình lập 1 bản di chúc có chữ kí của ông nội và chú tôi là phân chia đất đai cho chú và bố tôi nhưng không có dấu của xã.

Nhưng đến năm 2006 khi ông cho thuê nhà thì có nói là giao quyền sở hữu cho chú tôi, và đến năm 2009 ông mất không có di chúc, nhưng chú tôi đã chiếm hết đất, bố tôi không được hưởng đất đai của cụ kị. Vậy công ty tư vấn giúp tôi liệu bây giờ nếu tên chủ sở hữu đất vẫn mang tên ông nội tôi thì bố tôi có thể kiện để lấy lại quyền thừa hưởng của mình không?vì thực tế bố tôi cũng chỉ được nghe nói vậy chứ không thấy di chúc ông để lại? và liệu cái di chúc năm 1988 không có dấu của xã thì có hiệu lực gì không?" Cảm ơn quý công ty đã đọc, và mong quý công ty tư vấn giúp tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn!

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến bộ phận tư vấn – Công ty Luật Minh Gia. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin trả lời như sau:

Căn cứ theo quy định tại điều 623 Bộ luật dân sự năm 2015 về thời hiệu phân chia di sản thừa kế như sau:

"Thời hiệu thừa kế

1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;

b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.

2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Theo đó thời hiệu yêu cầu phân chia di sản thừa kế với bất động sản còn hiệu lực vì vậy, bố bạn có thể khởi kiện để yêu cầu chia di sản và xác nhận quyền thừa kế của mình. Khi đó, di sản của ông nội bạn sẽ được chia theo pháp luật cho bố bạn, chú bạn và hai bác gái theo điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015.

Đối với di chúc năm 1988, được coi là có hiệu lực khi đảm bảo các điều kiện dưới đây:

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;

b) Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.

Theo quy định trên, nếu đáp ứng đủ các quy định trên thì bản di chúc có thể được coi là hợp pháp, tuy nhiên, việc ông nội bạn và chú bạn là người làm chứng là không phù hợp với quy định của pháp luật, mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:

"1. Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc;

2. Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc;

3. Người chưa đủ mười tám tuổi, người không có năng lực hành vi dân sự."

Vì vậy, bản di chúc năm 1988 đó không phát sinh hiệu lực pháp luật nên không được sử dụng trên thực tế.

Trên đây là nội dung tư vấn về: Quyền thừa kế tài sản của bố đã mất. Nếu còn vướng mắc bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo