Hoàng Thị Kim Lý

Quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề

Cổng nhà tôi có từ năm 1988. Trước năm đó cổng từ thời cha ông tôi đi ở đằng sau nhà. Sau khi chúng tôi ở thì làm cổng ở trước nhà. Thời đó trước nhà tôi là ruộng chúng tôi tân làm đường đi có xin phép trưởng khu nhưng không có giấy tờ. Đến bây giờ đằng sau nhà tôi đã bán cho người khác. Và đằng trước nhà tôi thì theo dự án của thành phố đã bán hết đường đi và cấp sổ đỏ cho người khác. Bây giờ gia đình người ta làm nhà bịt kín cổng nhà tôi. Tôi xuống ủy ban phường nhờ giải quyết nhưng không được

Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, công ty tư vấn như  sau:

Căn cứ theo quy định tại điều 248 Bộ luật dân sự năm 2015 về nguyên tắc thực hiện quyền với bất động sản liền kề cụ thể:

 

“Điều 248. Nguyên tắc thực hiện quyền đối với bất động sản liền kề

 

Việc thực hiện quyền đối với bất động sản liền kề theo thỏa thuận của các bên. Trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:

 

1. Bảo đảm nhu cầu hợp lý của việc khai thác bất động sản hưởng quyền phù hợp với mục đích sử dụng của cả bất động sản hưởng quyền và bất động sản chịu hưởng quyền.

 

2. Không được lạm dụng quyền đối với bất động sản chịu hưởng quyền.

 

3. Không được thực hiện hành vi ngăn cản hoặc làm cho việc thực hiện quyền đối với bất động sản hưởng quyền trở nên khó khăn.”

 

Đồng thời căn cứ theo quy định quyền về lối đi qua như sau:

 

Điều 254. Quyền về lối đi qua

 

1. Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

 

Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.

 

Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định.

 

Như vậy, bạn có quyền yêu cầu một trong các chủ sở hữu mở lối đi khi mà gia đình anh không còn bất cứ lối đi nào cả và không có cách nào mở lối, bạn sẽ phải đền bù một khoản chi phí hợp lý.Trường hợp đất nhà bạn vẫn có khả năng mở lối thì bạn sẽ không có quyền yêu cầu mở lối đi.



Trong trường hợp bạn không còn lối đi nào khác, yêu cầu người chủ sở hữu liền kề mà họ không mở, nhờ UBND xã không có hiệu quả thì bạn có quyền khởi kiện ra Tòa để yêu cầu mở lối đi trên bất động sản liền kề.


Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn dân sự trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV: Thùy Dương - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo