Luật sư Việt Dũng

Quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề đúng hay không?

Cháu chào luật sư ạ! Cháu có một vấn đề muốn nghe sự tư vấn của chú ạ! Gia đình cháu 10 năm trước có ở cạnh nhà một chú tên An. Do từ nhà chú An ra đường công cộng bị lầy lội rất khó đi, nên chú An có xin phép bố cháu cho chú đi tắt nhờ qua khoảng vườn nhà cháu để ra đường công cộng cho tiện.

Nhà cháu với nhà chú A đó rất thân nhau nên bố cháu cũng nhận lời. Tuy nhiên, tháng trước, chú A chuyển nhà và bán đất lại cho một chú tên T. Vì một số lý do nên chú T với bố cháu có xung đột, bố cháu không muốn cho chú T đi qua lối đi tắt qua vườn kia nữa và bố cháu đã bịt lối đi lại. Chú T nói với bố cháu là như vậy là vô lý và xâm phạm quyền lợi của gia đình chú T, chú T nói sẽ nhờ tòa án giải quyết. Vậy chú luật sư cho cháu được hỏi, bố cháu bịt lối đi kia có sai không ạ? Và nếu sai thì sai ở đâu và nhà cháu cần phải làm gì ạ? Cháu cảm ơn chú ạ! Cháu chúc chú sức khỏe và thành công ạ!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Điều 254 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định quyền về lối đi qua như sau:

 

“1. Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

 

Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.

 

Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định.

 

3. Trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không có đền bù.”

 

Trong trường hợp này, nếu nhà chú An (nhà hàng xóm của bạn) mà bị bao bọc bởi các công trình khác mà không có lối đi thì chú An có quyền sử dụng khoảng vườn nhà bạn để đảm bảo cho việc đi lại. Tuy nhiên, theo thông tin bạn đưa ra thì “từ nhà chú An ra đường công cộng bị lầy lội rất khó đi”, như vậy thì nhà chú An không bị bao bọc bởi các công trình khác và có lối đi riêng ra bên ngoài. Do vậy, chú An không có quyền yêu cầu gia đình bạn dành cho mình 1 lối đi hợp lý. Việc trước đây nhà bạn cho nhà chú An đi tắt nhờ qua khoảng vườn nhà bạn để ra đường công cộng cho tiện chỉ là vì tình làng nghĩa xóm.

 

Khi chú Trung mua lại đất nhà chú An và chuyển sang đây sinh sống thì nhà bạn không muốn cho chú Trung đi qua lối đi tắt qua vườn kia nữa và bố bạn đã bịt lối đi lại là hoàn toàn không vi phạm pháp luật. Việc chú Trung nói với bố bạn làm như vậy là vô lý và xâm phạm quyền lợi của gia đình chú Trung là không có căn cứ pháp lý để khởi kiện ra Tòa.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề đúng hay không?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV Trung Thị Quỳnh Anh – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo