LS Vy Huyền

Quyền lợi của người quản lý di sản thừa kế

Luật sư tư vấn về quyền và nghĩa vụ của người quản lý di sản. Lợi ích được hưởng trong hoạt động quản lý di sản thừa kế như sau: Kính gởi Văn Phòng Luật Sư Minh Gia ! Cha mẹ tôi trong thời gian sống chung có tạo dựng được một căn nhà mặt tiền ở TP.HCM. Từ năm 1976 cho đến năm 1992 cha mẹ tôi có một cửa hàng kinh doanh ở địa chỉ trên.

Với tư cách là một người con trai trong gia đình và được sự tin tưởng yêu thương của bố mẹ tôi đã phụ giúp điều hành quán xuyến sự kinh doanh bằng cả sự nhiệt tình làm việc chăm chỉ san sẻ chịu đựng thích nghi với những bước thăng trầm cùng gia đình và bố mẹ tôi... đến năm 1984, 1987, 1990, 1991 lần lượt ba tôi và các người anh trai của tôi qua đời. Với tư cách là một người con một người em trai tôi đã cùng với mẹ tôi lo hậu sự cho ba tôi và các người anh về nơi an nghỉ cuối cùng được trọn vẹn.

Năm 1991 căn nhà trên của bố mẹ và anh em tôi đang ở, chưa có giấy tờ hợp lệ. Thể theo ý muốn của mẹ tôi, tôi đã liên hệ với các cơ quan chức năng để tiến hành hợp thức hóa chủ quyền cho căn nhà, việc ấy kéo dài hàng mấy tháng trời với các chi phí, thực hiện giấy tờ lên xuống nhiều lần. Đến tháng 9 năm 1991 gia đình tôi đã có giấy phép hợp thức hóa chủ quyền căn nhà trên do mẹ tôi đứng tên.

Vào thời điểm năm 1998 mẹ tôi cùng hai người em trai và người cháu nội của tôi đã có ý định muốn bán căn nhà trên để chia phần cho các con và các cháu với giá trị căn nhà lúc ấy muốn bán là là 190 lượng vàng SJC. Hai người em trai và người cháu nội đã đồng ý và ký giấy ưng thuận bán căn nhà trên chỉ có một mình tôi lúc ấy đã có ý định trì hoãn việc phát mại căn nhà. Sau nhiều lần hầu chuyện phân tích cho mẹ tôi biết về thị trường nhà đất TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung sẽ có xu hướng gia tăng giá trị.... cho nên việc bán nhà trên đã không thực hiện cho đến ngày hôm nay. Hiện nay giá trị thị trường căn nhà trên của gia đình tôi đã tăng lên gấp nhiều lần, ước tính khoảng 500 lượng vàng SJC.

Đến năm 2002 do tuổi già sức yếu mẹ tôi đã qua đời và một lần nữa tôi đứng ra lo hậu sự mai táng chu toàn cho mẹ tôi về nơi an nghỉ cuối cùng năm bên cạnh cha tôi.

Bố mẹ của tôi đã lần lượt qua đời nhưng trách nhiệm của tôi với vai trò là người anh lớn trong gia đình vẫn phải tiếp tục quản lí, giữ gìn di sản thừa kế của bố mẹ để lại thờ cúng tổ tiên ông bà củng như cha mẹ tôi .

Đứng tên đại diện trong các hợp đồng điện nước, hồ sơ kê khai di sản thừa kế, các biên lai đóng thuế nhà đất hằng năm, tìm kiếm và thương thảo các điều khoản trong hợp đồng cho thuê căn nhà trên với các đối tác . 

Đến tháng 8 năm 2012 tôi là người đại diện gia đình đứng nguyên đơn khởi kiện bên thứ ba còn nợ tiền của bố mẹ tôi thời gian trước với những bằng chứng giấy tờ tôi còn lưu giữ tôi đã trình bày trước tòa. Sau nhiều lần lên xuống trong suốt ba năm trời đến tháng 7 năm 2015 gia đình tôi đã được phán quyết của tòa án nhận lại số tiền trên tương đương 1 tỷ 250 triệu của bên thứ ba .

Với những công việc cụ thể thực tế tôi đã thực hiện trong suốt hàng chục năm trời cho di sản tài sản chung thì tôi có thể yêu cầu các đồng thừa kế trong di sản tài sản chung là căn nhà mặt tiền đường phải trả thù lao cho tôi về công sức quản lý , bảo quản , làm tăng giá trị của di sản chung là thêm một suất thừa kế hoặc 10% giá trị ước tính của tài sản tại thời điểm hiện tại?

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi nội dung đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau
 
Về vấn đề người quản lý di sản, Bộ luật dân sự năm 2005 có những quy định cụ thể như sau
 
Điều 638 quy định về người quản lý di sản:
 
1. Người quản lý di sản là người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thoả thuận cử ra.
 
2. Trong trường hợp di chúc không chỉ định người quản lý di sản và những người thừa kế chưa cử được người quản lý di sản thì người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản tiếp tục quản lý di sản đó cho đến khi những người thừa kế cử được người quản lý di sản.
 
3. Trong trường hợp chưa xác định được người thừa kế và di sản chưa có người quản lý thì di sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý.
 
Như vậy, bạn đang được coi là người quản lý di sản thừa kế và chúng tôi giả sử anh chị trong gia đình đã cử bạn ra làm người quản lý. Do vậy bạn sẽ có quyền và nghĩa vụ như người quản lý di sản. Cụ thể:
 
Điều 639. Nghĩa vụ của người quản lý di sản
 
1. Người quản lý di sản quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 638 của Bộ luật này có các nghĩa vụ sau đây:
 
a) Lập danh mục di sản; thu hồi tài sản thuộc di sản của người chết mà người khác đang chiếm hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
 
b) Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp và định đoạt tài sản bằng các hình thức khác, nếu không được những người thừa kế đồng ý bằng văn bản;
 
c) Thông báo về di sản cho những người thừa kế;
 
d) Bồi thường thiệt hại, nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;
 
đ) Giao lại di sản theo yêu cầu của người thừa kế.
 
2. Người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản quy định tại khoản 2 Điều 638 của Bộ luật này có các nghĩa vụ sau đây:
 
a) Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp và định đoạt tài sản bằng các hình thức khác;
 
b) Thông báo về di sản cho những người thừa kế;
 
c) Bồi thường thiệt hại, nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;
 
d) Giao lại di sản theo thoả thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc theo yêu cầu của người thừa kế.
 
Điều 640. Quyền của người quản lý di sản
 
1. Người quản lý di sản quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 638 của Bộ luật này có các quyền sau đây:
 
a) Đại diện cho những người thừa kế trong quan hệ với người thứ ba liên quan đến di sản thừa kế;
 
b) Được hưởng thù lao theo thoả thuận với những người thừa kế.
 
2. Người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản quy định tại khoản 2 Điều 638 của Bộ luật này có các quyền sau đây:
 
a) Được tiếp tục sử dụng di sản theo thoả thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc được sự đồng ý của những người thừa kế;
 
b) Được hưởng thù lao theo thoả thuận với những người thừa kế.
 
Dựa theo thông tin bạn cung cấp, cũng như quy định pháp luật thì bạn có quyền được thỏa thuận về việc hưởng thù lao quản lý di sản đối với những đồng thừa kế và phải có căn cứ cụ thể về những khoản yêu cầu thỏa thuận này.
 

Trên đây là nội dung tư vấn về: Quyền lợi của người quản lý di sản thừa kế. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo