Luật gia Nguyễn Nhung

Quyền được hưởng thừa kế thế vị

Chào anh/chị ! Em có một việc muốn anh/chị tư vấn giúp em. Ông ngoại em lấy 3 người vợ trước khi giải phóng miền nam trong đó chỉ có 2 người vợ đầu là có giấy kết hôn và được sự chấp nhận của gia đình. Ông ngoại em có tất cả 4 người con trong đó 2 người con ruột là mẹ em và dì em và 2 người con nuôi một trai, một gái.


Trước khi mất ông ngoại e có viết di chúc để lại toàn bộ tài sản cho mẹ em và dì em, trong di chúc cũng đề cập đến việc lúc còn sống ông đã cho 2 người con riêng một số vốn để làm ăn. Ngoài ra, di cũng chỉ nhắc đến tên 2 người vợ có đăng kí kết hôn chứ không nhắc đến tên của người vợ thứ 3. Toàn bộ tài sản đứng tên ông ngoại em. Trước khi ông ngoại e mất (năm 1988) 3 năm thì người vợ 3 dọn ra sống với cậu em (cũng là con nuôi).  Năm 2003 thì người con gái nuôi chết.Đến năm 2006 thì người vợ thứ 3 của ông ngoại qua đời.Lúc này con trai của người con gái mà ông ngoại nhận nuôi kiện gia đình em đòi quyền thừa kế thế vị. Kể từ khi ông ngoại em còn sống cho đến hiện tại thì gia đình người con nuôi này không hề thực hiện nghĩa vụ của một người con lúc ông ngoại và người vợ thứ 3 ốm đau, ma chay, đám dỗ, tu sửa mồ mã nhà tự. 

Vậy con của người con nuôi này có được hưởng thừa kế thế vị hay không và hưởng phần của ông ngoại em hay của người vợ thứ 3. Trên hồ sơ làm chứng minh nhân dân của người con nuôi này thì ông ngoại em và người vợ thứ 3 đứng tên bố mẹ.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

Trong trường hợp này, con của người con nuôi này không được hưởng thừa kế thế vị. Vì theo Điều 677 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về thừa kế thế vị thì những người được hưởng thừa kế thế vị khi:

Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống”.

Mặt khác, trước khi mất ông ngoại bạn đã để lại di chúc nên di sản của ông ngoại bạn để lại sẽ được chia theo di chúc vì pháp luật tôn trọng quyền định đoạt tài sản của cá nhân trước khi mất, căn cứ tại Điều 631 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về quyền thừa kế của cá nhân: “Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật”.

Vì vậy theo di chúc, người con nuôi này không được hưởng di sản thừa kế mà ông ngoại bạn để lại. Nói cách khác, con trai của người con nuôi này không có quyền kiện gia đình bạn đòi quyền thừa kế thế vị.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Quyền được hưởng thừa kế thế vị. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng



CV: Phùng T.Bảo Nhung – Công ty Luật Minh Gia.
 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo