Đinh Thị Minh Nguyệt

Quy định về sử dụng lối đi qua bất động sản liền kề

Nội dung yêu cầu tư vấn: Gia đình ông A và gia đình ông B là hàng xóm thân thiết của nhau. Do lối đi từ nhà ông B ra đường công cộng lầy lội, không thuận tiện cho các sinh hoạt thường ngày nên ông B đã xin phép và được ông A đồng ý cho đi tắt qua vườn để ra đường công cộng.

 

Sau 10 năm, lối đi đó đã trở thành lối đi quen thuộc đối với nhà ông B. Năm 2014, gia đình ông B bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho gia đình ông C. Sau một thời gian sinh sống, gia đình ông C có mâu thuẫn với gia đình ông A nên gia đình ông A đã bịt lại lối đi mà trước đây đã cho gia đình ông B đi nhờ qua vườn nhà mình. Ông C cho rằng hành vi của gia đình ông A là vô lý và đã xâm phạm quyền lợi của gia đình mình, nên đã khởi kiện ra Tòa án nhân dân. Câu hỏi:

a. Xác định tình trạng pháp lý của lối đi bị tranh chấp trong tình huống?

b. Gia đình ông A có quyền bịt lối đi đó không?

c. Giả sử tại thời điểm được gia đình ông A cho đi nhờ, gia đình ông B đã đền bù một khoản tiền bằng với giá trị quyền sử dụng đất dành làm lối đi, thì gia đình ông C có đương nhiên được hưởng quyền này không?

d. Giả sử lối đi cũ của gia đình ông C đã bị các hộ gia đình xung quanh lấn chiếm hết dẫn đến tình trạng quyền sử dụng đất của gia đình ông bị vây bọc sau khi ông A bịt lối đi, thì ông C có quyền yêu cầu một trong các hộ gia đình phải mở cho mình lối đi qua không? Quy định thế nào mong luật sư tư vấn, Xin cảm ơn.

 

 

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau: 

 

Căn cứ Điều 254 Bộ luật Dân sự 2015 quy định Quyền về lối đi qua như sau:


 
“1. Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

 

Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.

 

Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.” 

 

Theo đó, nếu mảnh đất nhà ông B bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có lối đi ra, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản liền kề mở cho mình một lối đi ra đường công cộng. Người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó. Tuy nhiên, theo thông tin bạn cung cấp do lối đi từ nhà ông B  ra đường công cộng lầy lội, không thuận tiện cho các sinh hoạt thường ngày chứ không phải vây bọc hoàn toàn nên trường hợp này ông B không có quyền yêu cầu ông A phải mở cho mình lối đi ra đường công cộng, việc ông A cho phép gia đình ông B là sự thỏa thuận của hai bên, ông A hoàn toàn có quyền đòi lại lối đi đó. 

 

Trường hợp tại thời điểm được gia đình ông A cho đi nhờ, gia đình ông B đã đền bù một khoản tiền bằng với giá trị quyền sử dụng đất dành làm lối đi thì lối đi đó không đương nhiên thuộc sở hữu của ông B nếu hai bên không tiến hành đăng ký chuyển quyền sử dụng đất đối với lối đi đó.

 

Đối với trường hợp lối đi cũ của gia đình ông C đã bị các hộ gia đình xung quanh lấn chiếm hết dẫn đến tình trạng quyền sử dụng đất của gia đình ông bị vây bọc sau khi ông A bịt lối đi thì ông C có quyền yêu cầu một trong các hộ gia đình phải mở cho mình lối đi hợp lý trên phần đất của mình theo quy định tại Điều 254 BLDS 2015.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Quy định về sử dụng lối đi qua bất động sản liền kề. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

Cv. Thúy Ngần - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo