Luật sư Phùng Gái

Quy định về sở hữu chung (định đoạt, chiếm hữu, sử dụng) của các thành viên gia đình?

Câu hỏi tư vấn: Mẹ tôi là vợ liệt sỹ đã có 01 người con riêng, tái giá năm 1973 lấy bố tôi thì anh ấy đi trại mồ côi, lấy bố tôi sinh thêm được 03 người con 02 trai 01 gái.

 

 Năm 1980 bố tôi chết để lại tài sản gia tiên tiền tổ để lại mảnh đất 649m2 và 01 căn nhà cấp 4. Đến năm 2001 nhà nước cấp giấy chủ quyền sử dụng đất cho hộ gia đình tôi, tại thời điểm đó còn lại có 05 người trong hộ khẩu là : chủ hộ, tôi, em trai tôi, vợ tôi và con trai tôi, những người khác là gái đã đi lấy chồng không còn tên trong hộ khẩu.

 

Vậy tôi xin hỏi mấy vấn đề sau:

 

1. Mẹ tôi có quyền định đoạt tất cả không?

 

 2. Anh con riêng của mẹ tôi có được quyền chia đất cho mẹ tôi 1/2 và em tôi 1/2 đất không.

 

 3. Tôi có được đòi chia tài sản theo hộ khẩu thời điểm cấp không, nếu yêu cầu chia không phạm luật thì tôi phải làm những hồ sơ thủ tục gì. Toii chân thành cảm ơn.

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo thông tin cung cấp thời điểm bố bạn mất năm 1980 thì toàn bộ di sản là mảnh đất 649m2 và căn nhà cấp bốn, chưa được công nhận cấp giấy chứng nhận. Đến năm 2001 cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên hộ gia đình (chủ hộ, bạn, em trai, vợ và con trai) nên việc giải quyết phân chia, định đoạt tài sản sẽ căn cứ theo quy định tại Khoản 29 Điều 3 Luật đất đai năm 2013. Cụ thể:

 

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

..

29. Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.

 

Theo đó, vào thời điểm được cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình thì những thành viên có quan hệ huyết thống, nuôi dưỡng, hôn nhân cùng sinh sống trên đó thì đều có quyền sở hữu đối với tài sản chung đó.

 

Đồng thời, Bộ luật dân sự năm 2015 xác định:

 

Điều 209. Sở hữu chung theo phần

 

1. Sở hữu chung theo phần là sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu được xác định đối với tài sản chung.

 

2. Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền, nghĩa vụ đối với tài sản thuộc sở hữu chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

Điều 212. Sở hữu chung của các thành viên gia đình

 

1. Tài sản của các thành viên gia đình cùng sống chung gồm tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.

 

2. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác.

 

Trường hợp không có thỏa thuận thì áp dụng quy định về sở hữu chung theo phần được quy định tại Bộ luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp quy định tại Điều 213 của Bộ luật này.

 

Như vậy, đối chiếu quy định trên với trường hợp của bạn vì đây là tài sản chung của hộ gia đình, tức ngoài mẹ bạn là chủ hộ thì còn 4 thành viên khác ở đây và những thành viên này cùng sinh sống trên mảnh đất và cùng có tên trên sổ hộ khẩu vào thời điểm năm 2001 khi nhà nước công nhận cấp giấy chứng nhận QSDĐ nên đều có quyền định đoạt, chiếm hữu, sử dụng chung đối với tài sản trên. Do đó, mẹ bạn không có quyền định đoạt toàn bộ (trừ trường hợp các thành viên khác thỏa thuận đồng ý để cho mẹ định đoạt) mà việc định đoạt sẽ dựa trên tinh thần thỏa thuận.

 

Theo đó, vì xác định được bạn cũng có quyền định đoạt, sử dụng đối với tài sản trên nên bạn có quyền yêu cầu phân chia. Tuy nhiên, để giải quyết việc phân chia thì phải thông qua thỏa thuận với các thành viên còn lại, nếu các thành viên khác không đồng ý thì bạn sẽ phải giải quyết theo hướng khởi kiện ra Tòa án nhân dân để giải quyết phân chia tài sản chung theo phần (bạn sẽ được hưởng một phần tài sản trong quyền sở hữu chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình).

 

+ Đối với anh con riêng của mẹ bạn không có quyền định đoạt quyền chia mảnh đất trên cho mẹ và em trai bạn vì mặc dù đây là con ruột của mẹ bạn nhưng thực tế nguồn gốc tài sản là thời ông bà để lại cho bố bạn (không phải tài sản riêng của mẹ). Đồng thời, vào thời điểm được công nhận quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình thì chỉ có mẹ, em trai và vợ chồng con cái bạn sinh sống, cùng sử dụng với quyền sử dụng đất trên; chỉ những thành viên trên mới có quyền định đoạt, sử dụng tài sản.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến Tổng đài luật sư tư vấn luật trực tuyến - 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời

 

Trân trọng

CV P.Gái - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo