Luật sư Dương Châm

Khám nghĩa vụ quân sự là gì? Quy định về khám nghĩa vụ thế nào?

Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam, là hoạt động góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để thực hiện nghĩa vụ quân sự, công dân phải đáp ứng các điều kiện nhất định được quy định trong Luật nghĩa vụ quân sự và các văn bản liên quan. Trong đó, tiêu chuẩn về sức khỏe là một trong bốn tiêu chuẩn cần có để công dân được gọi nhập ngũ; do vậy khám sửa khỏe là nội dung bắt buộc để tuyển chọn người tham gia nghĩa vụ quân sự. Vậy cụ thể pháp luật quy định về vấn đề này như thế nào, Luật Minh Gia sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến bạn đọc trong bài viết dưới đây.

1. Luật sư tư vấn về khám nghĩa vụ quân sự

Nghĩa vụ quân sự hay còn gọi là quân dịch là một nghĩa vụ bắt buộc của công dân. Ở Việt Nam việc thực hiện nghĩa vụ quân sự là bắt buộc. Khi đáp ứng đủ điều kiện, công dân được yêu cầu phải gia nhập quân đội trong một thời gian nhất định, bất chấp việc những người này có mong muốn phục vụ trong quân đội hay không. Nếu không chấp hành nghĩa vụ quân sự, công dân đó có thể chịu sự trừng phạt của pháp luật.

Độ tuổi đi nghĩa vụ quân sự vẫn là từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi. Riêng trường hợp công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết năm 27 tuổi. Đây là quy định tại Điều 30 của Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành. Lưu ý, độ tuổi nhập ngũ được tính từ ngày tháng năm sinh ghi trên giấy khai sinh của công dân cho đến ngày giao quân. Ngoài ra, theo Điều 31 của Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, công dân được gọi nhập ngũ còn phải đáp ứng 04 điều kiện sau:

- Có lý lịch rõ ràng;

- Chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;

- Có đủ sức khỏe để phục vụ tại ngũ;

- Có trình độ văn hóa phù hợp.

Nội dung về khám sức khỏe cho công dân gọi nhập ngũ được quy định cụ thể về Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP quy định việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự do Bộ trưởng Bộ Y tế – Bộ Quốc phòng ban hành. Luật Minh Gia đưa ra tình huống thực tế dưới đây để Quý khách hàng có thể tham khảo và hiểu rõ hơn về các quy định này.

2. Khám nghĩa vụ quân sự được quy định thế nào

Câu hỏi:

Chào văn phòng luật sư Minh Gia! Em xin nhờ văn phòng tư vấn giúp em vấn đề này ạ! Em hiện đang là sinh viên học cao đẳng năm nhất ở thành phố Hồ Chí Minh. Hiện tại em đang còn đi học mà ở Quê em (Bình Định) có giấy gọi đi khám nghĩa vụ quân sự. Em có cần về đi khám không ạ. Nếu em không đi khám thì có bị gì không ạ? Nhờ các luật sư tư vấn giúp  em. Em xin cảm ơn.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, về vấn đề khám nghĩa vụ quân sự

Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn thuộc trường hợp được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình được quy định tại điểm 2, khoản 1 điều 29 Luật Nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên Khoản 1 Điều này cũng quy định: Hằng năm, những công dân thuộc diện tạm hoãn gọi nhập ngũ quy định tại khoản này phải được kiểm tra, nếu không còn lý do tạm hoãn thì được gọi nhập ngũ. 

Tuy nhiên, trong trường hợp bạn muốn thực hiện nghĩa vụ quân sự sau khi kết thúc chương trình học, bạn nên nộp hồ sơ yêu cầu tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự trước khi khám nghĩa vụ quân sự.

Về thủ tục yêu cầu tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự, cần lưu ý những vấn đề sau:

- Cơ quan có thẩm quyền giải quyết: Ủy ban nhân dân cấp xã

- Hồ sơ yêu cầu tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự: i) bản chính đơn xin tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình; ii) giấy tờ chứng minh đối tượng được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình.

Thứ hai, về xử lý hành chính trong trường hợp không đi khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự

Điều 6 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu quy định:

“Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong giấy gọi kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện kiểm tra hoặc khám sức khỏe theo kế hoạch của Hội đồng nghĩa vụ quân sự”

Trong đó lý do chính đáng là một trong các lý do được quy định tại điều 5 Thông tư số 95/2014/TT-BQP, cụ thể gồm:

- Người phải thực hiện việc sơ tuyển nghĩa vụ quân sự; kiểm tra hoặc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự; khám sức khỏe tuyển chọn sĩ quan dự bị; chấp hành lệnh gọi nhập ngũ; lệnh gọi đi đào tạo sĩ quan dự bị; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu (sau đây viết gọn là người thực hiện nghĩa vụ quân sự) nhưng bị ốm hoặc trên đường đi bị ốm, tai nạn.

- Thân nhân của người thực hiện nghĩa vụ quân sự gồm bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp đang bị ốm nặng.

- Thân nhân của người thực hiện nghĩa vụ quân sự gồm bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp chết nhưng chưa tổ chức tang lễ.

- Nhà ở của người thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc nhà ở của thân nhân người thực hiện nghĩa vụ quân sự nằm trong vùng đang bị thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn làm ảnh hưởng đến cuộc sống.

- Người thực hiện nghĩa vụ quân sự không nhận được giấy gọi sơ tuyển nghĩa vụ quân sự; kiểm tra hoặc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự; khám sức khỏe tuyển chọn sĩ quan dự bị; lệnh gọi nhập ngũ; lệnh gọi đi đào tạo sĩ quan dự bị; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu do lỗi của người hoặc cơ quan có trách nhiệm hoặc do hành vi của người khác gây khó khăn hoặc cản trở quy định tại Điều 8 Chương II Thông tư này

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo