Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Quy định về hợp đồng vay tài sản theo quy định của pháp luật

Hỏi: Cách đây 1 năm anh A có giúp đỡ cho tôi vay 100 triệu đồng. Sau 1 thời gian vài tháng em vợ của anh A là anh B có điện thoại cho tôi nói là tôi hãy thu xếp để trả lại số tiền đã vay của anh A.

 

Tôi đã thu xếp và đưa cho anh B  85 triệu đồng. Nhưng giờ anh B nói là số tiền đó không đủ tiền lời còn tiền gốc đã lên 150 triệu đồng. Giờ tôi kinh doanh thua lỗ không còn khả năng chi trả với số tiền đó và tiền lãi phát sinh kiểu gì tôi không biết được. Vậy trong trường hợp này thì tôi phải giải quyết bằng cách nào? Và làm rõ số tiền 85 triệu tôi đã đưa anh B có đến được với anh A hay không hay anh B đã chiếm đọat số tiên đó không đưa lại cho anh A. Vì tôi và anh A là chỗ bạn bè thân tình lâu năm tôi cũng không muốn giữa tôi và anh A hiểu lầm nhau. Và tôi còn nợ anh A lại bao nhiêu tiền nữa để tôi còn trả. Tôi xin trân thành cảm ơn.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Điều 463 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về hợp đồng vay tài sản:

 

“Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”

 

Và Điều 466 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay:

 

“1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác….”

 

Theo bạn trình bày thì bạn đã vay của anh A số tiền là 100 triệu đồng nên bạn có nghĩa vụ phải trả tiền cho anh A theo thỏa thuận của hai bên về số tiền lãi, thời hạn trả tiền,….Nếu anh A chỉ cho bạn vay tiền mà không có thỏa thuận nào khác thì khi anh A muốn đòi lại tiền thì phải thông báo cho bạn trong một khoản thời gian hợp lý.

 

Tiếp theo việc sau vài tháng anh B là em vợ của anh A có gọi điện thoại để đòi tiền của bạn là không đúng pháp luật nếu như anh A không ủy quyền cho B đòi tiền từ bạn. Cũng có nghĩa là nếu anh A không ủy quyền cho B đòi tiền từ bạn thì bạn không có nghĩa vụ phải trả số tiền mà bạn đã vay của anh A để đưa cho anh B. Do đó số tiền 85 triệu đồng bạn đã đưa cho anh B bạn có quyền đòi lại.

 

Mặt khác do bạn không trình bày việc giữa bạn và anh A có thỏa thuận về khoản tiền lãi hay không. Nên nếu không có thì bạn không phải trả bất cứ khoản lãi nào cho anh A đồng thời B không có quyền yêu cầu bạn trả tiền lãi cho B. Nhưng nếu giữa bạn và anh A có thỏa thuận về tiền lãi thì bạn chỉ có nghĩa vụ trả tiền gốc và lãi theo thỏa thuận cho anh A hoặc cho B nếu A ủy quyền cho B. Bạn cần gặp A để xác định rõ A có ủy quyền cho B yêu cầu bạn trả tiền hay không.

 

Để xác định bạn còn nợ A bao nhiêu tiền cũng cần phải xem xét hai khả năng. Một là nếu B đưa lại số tiền 85 triệu thì bạn sẽ phải trả cho A số tiền gốc còn lại là 15 triệu và số tiền lãi nếu có thỏa thuận. Nếu B không được A ủy quyền đòi tiền từ bạn mà bạn đã đưa tiền cho B thì nghĩa vụ trả nợ số tiền 100 triệu của bạn đối với anh A vẫn còn nên trong trường hợp này bạn sẽ phải trả cho A số tiền 100 triệu đồng và số tiền lãi nếu có theo thỏa thuận giữa hai bên nhưng phải tuân thủ Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 về lãi.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Quy định về hợp đồng vay tài sản theo quy định của pháp luật. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến - Số 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

Bộ phận luật sư trực tuyến - Luật Minh Gia

 

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo