Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Trao đổi tài sản dùng hợp đồng gì? Quy định thế nào?

Ngoài hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ thì trao đổi tài sản cũng là một trong những giao dịch phổ biến nhằm đáp ứng các nhu cầu về vật chất của con người. Tài sản trao đổi có thể là vật, tiền, giấy tờ có giá hoặc quyền tài sản.

Xét về bản chất, trao đổi tài sản là việc hai hay nhiều bên tiến hành trao đổi tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho người khác để nhận lại loại tài sản khác theo như thỏa thuậnHợp đồng trao đổi tài sản là một trong những giao dịch dân sự khá phổ biến trên thực tế và được quy định cụ thể tại Bộ luật Dân sự 2015. 

Về khái niệm hợp đồng trao đổi tài sản, Điều 455 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau: 

“1. Hợp đồng trao đổi tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó các bên giao tài sản và chuyển quyền sở hữu đối với tài sản cho nhau.

2. Hợp đồng trao đổi tài sản phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực hoặc đăng ký, nếu pháp luật có quy định.

3. Trường hợp một bên trao đổi cho bên kia tài sản không thuộc quyền sở hữu của mình hoặc không được chủ sở hữu ủy quyền thì bên kia có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

4. Mỗi bên đều được coi là người bán đối với tài sản giao cho bên kia và là người mua đối với tài sản nhận về. Các quy định về hợp đồng mua bán từ Điều 430 đến Điều 439, từ Điều 441 đến Điều 449 và Điều 454 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với hợp đồng trao đổi tài sản.”

Theo quy định này, hợp đồng trao đổi tài sản chính là sự thỏa thuận của các bên về việc trao đổi tài sản cho nhau. Trong quan hệ này, mỗi bên đều là bên bán tài sản đồng thời cũng là bên mua tài sản. Khi đó, sẽ có sự thay đổi về quyền sở hữu đối với tài sản được trao đổi. Vì vậy, đối với một số loại tài sản đặc thù như: bất động sản, động sản phải đăng ký quyền sở hữu (xe máy, ô tô, tàu biển, …) thì hợp đồng trao đổi tài sản phải được công chứng/ chứng thực theo quy định. 

Ngoài ra, áp dụng theo quy định tại Điều 456 Bộ luật Dân sự 2015, khi có sự chênh lệch giữa các tài sản trao đổi thì: “các bên phải thanh toán cho nhau phần chênh lệch đó, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.”

Như vậy, khi thực hiện giao dịch trao đổi tài sản, các bên có thể lập hợp đồng trao đổi tài sản để ghi nhận các thỏa thuận, cam kết của các bên liên quan đến giao dịch này. Ví dụ như: số lương, đặc điểm, giá trị, ... của tài sản trao đổi; quyền và nghĩa vụ của mỗi bên; phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại; ...

Trân trọng!

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo