Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Quy định của pháp luật về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự

​Tôi và bạn tôi có làm 1 hợp đồng mua hàng. Tôi là bên mua, bạn tôi là bên bán. Trên hợp đồng có ghi cam kết là: ngày 17/5/2015 bên mua có giao cho bên bán 97 triệu và ngày 18/5/2015 bên bán có nhiệm vụ giao sản phẩm cho bên mua.

Vấn đề xảy ra là bạn tôi bị người cung cấp sản phẩm lừa và cầm tiền bỏ trốn. Bạn tôi bây giờ ko có khả năng trả nợ và mẹ của bạn ấy chịu trách nhiệm đứng ra trả nhưng chỉ trả cho tôi 5tr/tháng. Tôi không đồng ý cách thức trả như vậy và tôi dự định đem hợp đồng ra kiện bạn tôi. Tôi có những thắc mắc sau:
1. Nếu muốn kiện thì tôi phải đến đâu kiện? Công an quận hay tòa án quận bạn tôi đang ở? Trình tự như thế nào?
2. Tôi có tìm hiểu thì tòa án chỉ chấp nhận thời hạn khởi kiện khi bên bị xâm hại quyền lợi (trường hợp này là tôi) là 2 năm. Có nghĩa là ngày 18/5/2017 bên tòa án mới chấp nhận đơn kiện của tôi đúng không?
3. Nếu thật sự 2 năm sau tôi mới được khởi kiện thì có cách nào dùng pháp luật yêu cầu bạn tôi trả đủ số tiền 97 triệu liền hay không?
 
Hỏi về quy định của pháp luật về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự
Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Về hợp đồng mua bán tài sản

Giao dịch dân sự giữa bạn và người bạn của mình là hợp đồng mua bán tài sản theo quy định tại điều 428 Bộ luật dân sự 2005 về hợp đồng mua bán tài sản:

"Hợp đồng mua bán tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao tài sản cho bên mua và nhận tiền, còn bên mua có nghĩa vụ nhận tài sản và trả tiền cho bên bán".
 
Do hợp đồng mua bán tài sản về bản chất là một giao dịch dân sự nên điều kiện có hiệu lực của hợp đồng mua bán tài sản này phải tuân thủ các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự theo quy định tại điều 122 Bộ luật dân sự 2005 về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự:

"1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự;

b) Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội;

c) Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện.

2. Hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp pháp luật có quy định".


Giao dịch dân sự tôn trọng sự thỏa thuận giữa 2 bên nếu thỏa thuận đó không trái với quy định pháp luật. Do hợp đồng mua bán hàng hóa giữa 2 bên đã thỏa mãn những điều kiện quy định tại điều nên hợp đồng đã phát sinh hiệu lực kể từ thời điểm 2 bên ký vào hợp đồng này.

Theo như bạn trình bày thì ngày 17/5/2015 bạn đã giao tiền cho người kia và người kia sẽ phải giao hàng hóa cho bạn vào ngày 18/5/2015 (theo thỏa thuận trong hợp đồng). Việc người bạn của bạn không hoàn thành nghĩa vụ giao tài sản cho bạn sau khi đã nhận tiền là vi phạm nghĩa vụ hợp đồng và người đó sẽ có trách nhiệm đối với hành vi vi phạm của mình nếu như có thiệt hại thực tế xảy ra theo quy định tại điều 302 Bộ luật dân sự 2005:
 
"Điều 302. Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ dân sự

1. Bên có nghĩa vụ mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền.

2. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thể thực hiện được nghĩa vụ dân sự do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

3. Bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền".


Vì vậy, trong trường hợp này:

- Thứ nhất, hai bên có thể thỏa thuận về việc chấm dứt hợp đồng đã giao kết cùng với việc hoàn trả lại tài sản cho bạn (thỏa thuận về thời gian trả, phương thức trả tiền).  Việc thỏa thuận phải được lập thành văn bản.

- Thứ hai, nếu không thỏa thuận được với nhau thì bạn có thể làm đơn khởi kiện tại Tòa án để yêu cầu người kia tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hợp đồng với mình hoặc yêu cầu người kia hoàn thành nghĩa vụ trả nợ đối với bạn và có thể là bồi thường thiệt hại đối với bạn theo quy định trên.
 
Về thời hiệu khởi kiện
 
Theo quy định tại điều 159 Bộ luật tố tụng dân sự 2004 về thời hiệu khởi kiện, thời hiện yêu cầu:
 
"1. Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Thời hiệu yêu cầu là thời hạn mà chủ thể được quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền yêu cầu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

3. Trong trường hợp pháp luật không có quy định khác về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu thì thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu được quy định như sau:

a) Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước bị xâm phạm;

b) Thời hiệu yêu cầu để Toà án giải quyết việc dân sự là một năm, kể từ ngày phát sinh quyền yêu cầu".

 
Theo đó, thời hiệu khởi kiện được hiểu là đương sự có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về dân sự của mình trong khoảng thời gian 2 năm kể từ khi có hành vi vi phạm xảy ra (thời hạn thực hiện nghĩa vụ trên hợp đồng). Qúa thời gian 2 năm này, đương sự không còn quyền khởi kiện vụ án dân sự nữa. Tuy nhiên, với trường hợp đòi lại tài sản gốc như với trường hợp của bạn thì sẽ không áp dụng thời hiệu khởi kiện theo quy định tại khoản 3 Điều 23 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP:

"3. Đối với tranh chấp dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự (hợp đồng vay tài sản, hợp đồng gửi giữ tài sản, thuê tài sản, thuê khoán tài sản, hợp đồng gia công, hợp đồng vận chuyển, hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất, hợp đồng thuê quyền sử dụng đất, hợp đồng thuê lại quyền sử dụng đất), thì giải quyết như sau:

a) Đối với tranh chấp phát sinh từ giao dịch dân sự thì áp dụng thời hiệu quy định trong văn bản quy phạm pháp luật tương ứng đối với loại giao dịch đó.

b) Đối với tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, về đòi lại tài sản, đòi lại quyền sử dụng đất do người khác quản lý, chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện".


Điều này có nghĩa là Tòa án sẽ vẫn giải quyết về việc đòi lại tài sản gốc và sẽ không giải quyết về vấn đề bồi thường thiệt hại nếu như thời hiệu khởi kiện đã quá 2 năm.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Quy định của pháp luật về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

     
Luật gia: Việt Dũng - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo