Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Quy định của pháp luật về sử dụng lối đi qua bất động sản liền kề

Năm 1986 gia đình tôi có mua đất ở với hộ gia đình ông A. Khi mua đất, tôi đã thấy có con đường đi trước cửa giáp ranh với đất bà B. Đến 10/7/2002, hộ gia đình bà B đã tự cho người đập tường cũ của mình ngăn cách với phần đường đi và đào móng xây bịt cổng đi lại của gia đình tôi.

Tôi đã báo cáo khối trưởng và công an khu vực và các ban ngành có liên quan xuống đình chỉ không cho xây. Đến ngày 13/5/2015. Bà B lại tiếp tục đào móng qua cổng nhà tôi để xây tường. Vị trí khu đất tranh chấp với diện tích 51,5 m2. Có chiều rộng 2,45 m. Chiều dài 21 m. Phần đất này đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho bà B năm 2001 (do bà B đã giả mạo chữ ký của 7 hộ gia đình liền kề để có GCNQSDĐ. Hiện tại bà B đã xây một bức tường cao 1m rộng 4,14 m ngăn cách giữa phần đất này và phần đất của gia đình tôi đang sử dụng. Bà B cho biết: nguyên cả thửa đất diện tích 272 m2 là đất bà B nhận chuyển nhượng của ông C (đã chết) năm 1977, đến năm 1982 bà xây dựng nhà cấp 4 trên thửa đất và chuyển về đây sinh sống. Đến năm 2001 UBND thị xã (nay là thành phố) cấp GCNQSDD cho gia đình bà B diện tích 272 m2. Đến năm 2002, gia đình xây dựng tường rào bao quanh thửa đất ( phía tiếp giáp với đất của tôi) thì xảy ra tranh chấp. Khi ấy đã có biện bản hòa giải tại khối, có xác nhận của chính quyền địa phương. Sau khi hòa giải, bà B có xây dựng tường rào theo như nội dung ghi trong biên bản nhưng gia đình ông D (là người chuyển nhượng đất cho tôi không đồng ý nên chưa xây được. Đến 13/5/2015 bà B tiếp tục xây dựng tường rào. Tôi năm 1987 nhận chuyển nhượng đất cua ông D, khi nhận chuyển nhượng tôi có thấy con đường ngõ đi qua trước mặt thửa đất. Từ khi nhận chuyển nhượng tôi vẫn đi lại trên con đường này. Đến năm 2002 bà B xây tường rào ngăn cách đát của tôi với đát đường đi.gia đình tôi không đồng ý vì đây là đường đi chung của các hộ dân trong ngõ, biên bản hòa giải năm 2002 chưa phải là quyết định cuối cùng của cấp có thẩm quyền. Gia đình chưa nhất trí tuân theo biên bản đó. Đến 13/5/2015 gia đình bà B tiếp tục xây tường rào nên tôi đã làm đơn gửi UBND phường. Kết luận của UBND phường: Phần đất đang tranh chấp trên bản đồ địa chính vẽ năm 1997 đã được cấp GCNQSDĐ cho bà B năm 2001. Đối chiếu phần đất này lên bản đồ đo vẽ năm 1988 thì phần đất này được thể hiện trên bản đồ là đất giao thông. Kiểm tra lại hồ sơ cấp giấy năm 2001 của bà B. Trong hồ sơ có giấy chuyển nhượng viết tay giữa bà  B với ông C. theo giấy tờ chuyển nhượng thì ông C có bán lại cho bà B một ngôi nhà 2 gian có chiều dài 4m chiều rộng 3m trên thửa đất có chiều dài 24m chiều rộng 9,5m. Xin luật sư tư vấn cho tôi về vấn đề này.theo xác minh của UBND phường thì phần đất trên năm 1988 là đất giao thông nhưng lại được chuyển đổi sang đất của bà B như vậy có hợp pháp hay không.và theo luật sư thì gia đình bà B có quyền xây tường rào chặn lối đi lại của gia đình tôi hay không? Quy định thế nào?
 
Quy định của pháp luật về sử dụng lối đi qua bất động sản liền kề
Lối đi qua bất động sản liền kề
 
Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Về vấn đề đất giao thông được chuyển đổi sang đất của bà B

Theo quy định tại điều 2 Luật đất đai 1993:

"1. Người sử dụng đất ổn định, được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận thì được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất".

Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình bà B được căn cứ theo quy định này. Khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng với tổng diện tích 272 m2 cho bà B thì UBND xã sẽ có sự xác minh và nếu như theo sự xác minh phần diện tích đang tranh chấp hiện nay đã được bà B sử dụng ổn định thời điểm đó thì việc cấp GCNQSDĐ cho bà B là hợp pháp và bà B sẽ là chủ sở hữu hợp pháp với mảnh đất từ thời điểm này.

Ngoài ra, việc bà B được cấp GCNQSDĐ theo như anh trình bày là do bà B giả mạo chữ kí giáp ranh của những hộ gia đình liền kề, tuy nhiên với trường hợp này gia đình anh cũng như những hộ gia đình liền kề phải chứng minh được có sự giả danh chữ kí của bà B. Nếu không có cơ sở xác thực để chứng minh bà B đã giả danh chữ kí giáp ranh thì việc đòi lại mảnh đất mà theo anh là thuộc sở hữu chung này là không có cơ sở.  
 
Về việc sử dụng lối đi thuộc sở hữu của bà B
 
Điều 280 bộ luật dân sự 1995 có quy định về quyền đi qua bất động sản liền kề:

"Quyền về lối đi qua bất động sản liền kề

1. Chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có lối đi ra, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi thuận tiện và hợp lý ra đến đường công cộng; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó. Người được dành lối đi phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản liền kề, nếu không có thoả thuận khác".

Điều này tiếp tục được ghi nhận tại điều 275 Bộ luật dân sự 2005:

"1. Chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có lối đi ra, có quyền yêu cầu một trong những chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi ra đến đường công cộng; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó. Người được dành lối đi phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản liền kề, nếu không có thoả thuận khác".

Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi".

Theo quy định trên thì đối với trường hợp bất động sản của gia đình anh bị vây bọc bởi những bất động sản liền kề (đất của bà B) thì anh có quyền yêu cầu bà B dành cho mình một lối đi ra đường chính, người này có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu của anh và anh sẽ phải đền bù cho họ khoản tiền theo thỏa thuận giữa 2 bên. Vì vậy, việc năm 2002 cơ quan có thẩm quyền yêu cầu bà B chấm dứt hành vi xây dựng của mình đối với bất động sản liền kề này là hợp pháp (theo quy định tại bộ luật dân sự 1995). Và do bộ luật dân sự 2005 tiếp tục ghi nhận vấn đề này nên gia đình anh hoàn toàn có cơ sở để yêu cầu bà B chấm dứt xây dựng trên phần đất này vì điều đó ảnh hưởng đến việc đi lại của gia đình anh. Vì vậy:

- Thứ nhất, gia đình anh và bà B nên thỏa thuận trực tiếp với nhau về việc sử dụng lối đi chung này cùng với mức bồi thường hợp lý. Việc thỏa thuận phải được thể hiện bằng văn bản, có xác nhận của UBND xã thì thỏa thuận sẽ có hiệu lực pháp luật.

- Thứ hai, nếu gia đình anh và bà B không thỏa thuận được với nhau thì có thể nhờ UBND xã tiến hành hòa giải. Nếu như bà B không tuân thủ theo biên bản hòa giải đã có thì anh có thể làm đơn đến Tòa án nhân dân cấp huyện để yêu cầu giải quyết với trường hợp này.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Quy định của pháp luật về sử dụng lối đi qua bất động sản liền kề. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng


Luật gia: Việt Dũng - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo