Lại Thị Nhật Lệ

Quan hệ hôn nhân xác lập trước ngày 3 - 1- 1987 và phân chia tài sản chung của vợ chồng.

Tôi về vấn đề của gia đình như sau: Tình trạng gia đình cần giải quyết như sau: Bố tôi có 3 người vợ, 4 người con: Vợ cả (mẹ tôi) sống với bố tôi từ năm 1968 từ trong kháng chiến chống mỹ, có 2 người con nhưng không có giấy hôn thú. Năm 1970 Bố tôi bị thương và ra bắc lại lấy người thứ 2, không có giấy hôn thú nhưng có 2 người con.

 

Đến năm 1980 bố tôi lại lấy người thứ 3, không có con nhưng có giấy hôn thú. Tình trạng hôn nhân của bố tôi: Đến tháng 8 năm 2016 bố tôi và người vợ thứ 3 ra tòa ly hôn, tòa xử đồng ý ly hôn nhưng tài sản do 2 người tự giải quyết (theo đề nghị của bố tôi và vợ thứ 3). Tuy nhiên trong lúc chưa chia được tài sản thì bố tôi bệnh nặng, hiện giờ mất khả năng dân sự (hôn mê 7 tháng). Xin Luật sư vui lòng giải thích giúp tôi các câu hỏi sau:1/ Khi tòa xử lý việc ly hôn giữa bố tôi và người vợ thứ 3 nhưng không đề cập đến vợ cả và vợ thứ 2 trong phân chia tài sản là có đúng không hay còn thiếu sót.2/ Trong trường hợp này Mẹ tôi và người vợ thứ 2 có được pháp luật công nhận là vợ và có quyền thừa hưởng tài sản khi bố tôi mất (hiện tòa đã xử đồng ý ly hôn nhưng chưa phân chia tài sản) 3/ Tôi phải làm gì để có cơ sở tòa xử lại việc chia tài sản cho mẹ tôi và người vợ thứ 2 trong trường hợp này vì bố tôi hiện đang bệnh mất khả năng.Tôi chân thành cám ơn Luật sư và rất mong nhận được sự quan tâm của Luật sư. 

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:

 

Căn cứ theo thông tư số 60/TATC  thông tư hướng dẫn giải quyết các việc tranh chấp về hôn nhân gia đình của cán bộ, bộ đội đã có vợ, có chồng trong nam tập kết ra bắc lấy vợ, lấy chồng khác. 

 

Và theo khoản 4 thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP  quy định thì: ““Người đang có vợ hoặc có chồng” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 5 của Luật hôn nhân và gia đình là người thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a)    Người đã kết hôn với người khác theo đúng quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nhưng chưa ly hôn hoặc không có sự kiện vợ (chồng) của họ chết hoặc vợ (chồng) của họ không bị tuyên bố là đã chết;

b) Người xác lập quan hệ vợ chồng với người khác trước ngày 03-01-1987 mà chưa đăng ký kết hôn và chưa ly hôn hoặc không có sự kiện vợ (chồng) của họ chết hoặc vợ (chồng) của họ không bị tuyên bố là đã chết;

c) Người đã kết hôn với người khác vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình nhưng đã được Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân bằng bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và chưa ly hôn hoặc không có sự kiện vợ (chồng) của họ chết hoặc vợ (chồng) của họ không bị tuyên bố là đã chết.”

 

Bố bạn thuộc đối tượng cán bộ miền Nam tập kết ra bắc lấy vợ khác do đó khi cả hai người vợ của bố bạn có mong muốn về sống chung, sum họp thì Tòa án sẽ công nhận mối quan hệ hôn nhân của cả hai là hợp pháp. Nếu một trong hai bên có yêu cầu giải quyết ly hôn thì Tòa án vẫn giải quyết dựa trên quyền và lợi ích của hai bên và các con. 

 

 

Tại thời điểm bố bạn sống chung với bà thứ nhất và bà thứ hai đã đủ điều kiệ kết hôn theo quy định của pháp luật, ba người vẫn thực hiện sống chung và không có yêu cầu giải quyết ly hôn hoặc không có sự kiện một bên chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì mối quan hệ hôn nhân của bố bạn và hai người này là hợp pháp, được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Việc bố ban đăng ký kết hôn với người thứ ba là trái quy định của pháp luật. Hai người vợ trước của bố bạn có quyền yêu cầu Tòa án hủy đăng ký kết hôn và buộc chấm dứt cuộc sống chung.

 

Nếu khi bố bạn và hai người trước chung sống như vợ chồng nhưng tại thời điểm sống chung không đủ điều kiện kết hôn và sau đó thực hiện đăng ký kết hôn với người vợ thứ ba  thì mối quan hệ hôn nhân của bố bạn và người thứ ba là hợp pháp.

 

 

Căn cứ theo Điều 33 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định về tài sản chung theo đó tài sản được hình thành trong thời kì hôn nhân được xác định là tài sản chung của vợ chồng trừ trường hợp tặng cho riêng hoặc thừa kế riêng. Khi ly hôn vợ chồng có quyền thỏa thuận phân chia hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết.

 


Ly hôn và giải quyết chia tài sản là vụ việc dân sự pháp luật tôn trọng ý chí và sự thỏa thuận của hai bên do đó Tòa án chỉ đứng ra phân chia tài sản nếu hai bên không thỏa thuận được, tài sản đang tranh chấp tài sản chung và có yêu cầu Tòa án giải quyết. Khi bố bạn và người vợ thứ ba ly hôn tự thỏa thuận phân chia tài sản và không có yêu cầu Tòa án giải quyết do đó Tòa án không giải quyết là đúng với quy định của pháp luật.

 

Nếu sau khi ly hôn các bên không thỏa thuận được hoặc có tranh chấp thì có quyền khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu chia tài sản chung. Nếu như mối quan hệ hôn nhân giữa bố bạn và hai người vợ trước được công nhận thì hai người này sẽ được phân chia theo diện là tài sản chung của vợ chồng. Trong trường hợp không mối quan hệ hôn nhân này không được công nhận thì có thể yêu cầu Tòa án phân chia theo công sức đóng góp (nếu có).

 

Căn cứ theo Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 thì những người được hưởng di sản thừa kế là những người ở hàng thừa kế thứ nhất bao gồm bố mẹ, vợ chồng và các con. Do đó nếu bố bạn mất không để lại di chúc thì bốn người con của bố bạn và hai người vợ của bố bạn (nếu được công nhận là có mối quan hệ hôn nhân pháp được pháp luật thừa nhận) sẽ được hưởng di sản thừa kế do bố bạn mất để lại;  trong trường hợp mối quan hệ hôn nhân giữa bố bạn và hai người vợ trước không được công nhận thì hai người này sẽ không được hưởng di sản thừa kế và bà ba đã làm thủ tục ly hôn nên không được hưởng di sản thừa kế do bố bạn mất để lại. Mỗi người sẽ được hưởng một phần bằng nhau trong khối di sản thừa kế. Các bên có quyền thỏa thuận để phân chia di sản thừa kế hoặc khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu giải quyết. 

 

 

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến Tổng đài luật sư tư vấn luật trực tuyến - 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

Cv: Vũ Nga - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo