Trần Tuấn Hùng

Quan hệ hôn nhân hình thành trước năm 1960 và thẩm quyền sử dụng đất của người vợ sau khi chồng mất

Luật Minh Gia tư vấn về quan hệ hôn nhân hình thành trước năm 1960 và thẩm quyền sử dụng đất của người vợ cùng quyền lợi của con riêng của người chồng sau khi người chồng mất.

Nội dung yêu cầu tư vấn: Xin chào luật sư. Luật sư cho em hỏi một vấn đề sau: Bà A chung sống với ông B trước năm 1960 không có con (Không có giấy kết hôn). Ông B đi bộ đội, sau khi về hưu năm 1990 không về ở với bà A mà kết hôn với người khác ở nơi khác có giấy kết hôn và có hai người con riêng. Hiện tại bà A có một mảnh đất 420m2 và nhà ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu mang tên bà A, giấy chứng nhận cấp năm 1996 sau khi ông B đã có con riêng năm 1992, sổ hộ khẩu gia đình chỉ mang tên một mình bà A. Mảnh đất và nhà hình thành trong thời kỳ ông B đi bộ đội. Hiện tại bà A đã xây thêm 1 chiếc nhà nữa trên 1/2 mảnh đất. 1/2 mảnh đất còn lại là chiếc nhà cũ xây dựng trong lúc ông B đi bộ đội, ông B đã mất năm 2008. Vậy luật sư cho em hỏi: 1. Bà A có được quyền xây nhà mới trên 1/2 mảnh đất hay không? 2. Nếu chia tài sản thì con riêng của ông B có được không? 3. Bà A có được quyền sử dụng hết mảnh đất trên và nhà ở không? Em xin chân thành cám ơn luật sư!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, vấn đề của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo khoản 4 Điều 2 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP quy định:

 

“”Người đang có vợ hoặc có chồng” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 5 của Luật hôn nhân và gia đình là người thuộc một trong các trường hợp sau đây:

 

a)    Người đã kết hôn với người khác theo đúng quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nhưng chưa ly hôn hoặc không có sự kiện vợ (chồng) của họ chết hoặc vợ (chồng) của họ không bị tuyên bố là đã chết;

 

b) Người xác lập quan hệ vợ chồng với người khác trước ngày 03-01-1987 mà chưa đăng ký kết hôn và chưa ly hôn hoặc không có sự kiện vợ (chồng) của họ chết hoặc vợ (chồng) của họ không bị tuyên bố là đã chết;

 

c) Người đã kết hôn với người khác vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình nhưng đã được Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân bằng bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và chưa ly hôn hoặc không có sự kiện vợ (chồng) của họ chết hoặc vợ (chồng) của họ không bị tuyên bố là đã chết.”

 

Bà A và ông B chung sống với nhau như vợ chồng từ trước năm 1960 và chưa có yêu cầu giải quyết ly hôn nhưng cho đến năm 1990 thì hai ông bà không còn chung sống với nhau nữa; do vậy quan hệ hôn nhân giữa bà A và ông B không được pháp luật công nhận là hôn nhân thực tế. Cho nên những tài sản được hình thành trong khi ông B đi bộ đội không được xác định là tài sản chung của vợ chồng.

 

Theo đó, nếu như phần diện tich sử dụng đất này ông B có công sức đóng góp sẽ được xác định là tài sản chung của ông A và ông B và khi ông B mất thì những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông B sẽ được nhận thừa kế tương ứng với phần tài sản ông B có công sức đóng góp của ông B và sẽ được chia cho vợ và các con của ông B (bao gồm con riêng), lúc đó gia đình phải thực hiện thủ tục khai nhận phân chia di sản thừa kế của ông B rồi xác định phần diện tích sử dụng mà bà A được phép xây dựng và sở hữu, về các đồng thừa kế được hưởng di sản của ông B bạn có thể tham khảo theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015 như sau:

 

"Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

 

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

 

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

 

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại..."

 

Đồng thời, bạn có thể tham khảo bài viết sau để thực hiện thủ tục khai nhận phân chia di sản thừa kế:

 

Tư vấn về thủ tục khai nhận, phân chia di sản thừa kế 

 

Trong trường hợp ông B không có công sức đóng góp vào thửa đất mà bà A là người khai hoang sử dụng thửa đất này ổn định lâu dài không có tranh chấp thì mảnh đất và ngôi nhà hình thành được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bà A được xác định là tài sản riêng của bà A nên bà A vẫn có quyền xây dựng nhà mới trên ½ mảnh đất và bà A có quyền sử dụng trên toàn bộ mảnh đất trên và nhà ở.

 

Trân trọng,

P. Luật sư tư vấn trực tuyến - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo