LS Vũ Thảo

Phân chia di sản thừa kế như thế nào khi ông bà mất không để lại di chúc?

Kính chào luật sư. Ông nội tôi có 2 bà vợ. Bà đầu mất năm 1986. Ông nội mất 1994. Bà vợ 2 mất 2011. Ông nội tôi có tất cả 5 người con. Bà vợ đầu là sinh được bố của tôi và 1 người cô. Bà vợ hai sinh được 2 ông chú và 1 người cô. Bà hai và con bà hai đều có đất đai ra ở chỗ khác hết. Vì qua đời ông hai bà có hai vườn riêng, bố mẹ tôi sống chung với ông bà nội cho tới bây giờ.

 

Bố tôi cũng đã qua đời 2006. Vấn đề của tôi muốn hỏi luật sư là ông bà tôi mất không để lại di chúc vì ngày đó nghĩ đất ông bà để lại cho bố mẹ tôi ở nên cũng chưa vội sang tên nên vẫn đang đứng tên bìa của ông nội. Nay gia đình tôi và các cô chú đều đồng ý để lại mảnh đất đó cho tôi sử dụng để lo hương hỏa cho tổ tiên. Và đã có dấu của ủy ban xã đóng xác nhận nhưng chưa công chứng, và sau đó mẹ tôi đã đưa bìa đỏ cho ông chú con bà hai đi làm giấy tờ và ông chú đã cầm luôn bìa gốc của ông nội tôi và không làm thủ tục sang tên cho tôi và mẹ tôi nữa mặc dù trước đó chú cũng đã ký vào giấy đồng ý sang tên cho tôi. Và nhiều lần mẹ tôi ra hỏi để lấy lại bìa đất mà chú không đưa cho. Và tới nay ông chú cũng vừa qua đời và cũng không thấy con chú đưa bìa lại cho mẹ tôi. Vậy tôi muốn hỏi luật sư trong trường hợp con chú vẫn không đưa trả bìa gốc cho mẹ tôi, vậy chúng tôi phải làm gì để sang được tên bìa đỏ cho tôi hoặc mẹ tôi. Lên chính quyền thông báo mất bìa có được không hay là phải ra tòa án để tòa phân xử ạ? Còn vấn đề thứ 2 là bà vợ hai cũng đã có vườn riêng và chú đã làm giấy tờ sang cho chú và nay chú mợ qua đời lại sang tên cho con cái trong lúc đó bố mẹ tôi và cô con bà đầu không hay biết vậy có hợp lý không ạ. Dù sao bà cũng là vợ hai của ông nội tôi. Và nếu bây giờ mẹ tôi yêu cầu tòa án làm rõ vấn đề này có được không ạ ? Vì chúng tôi nghi ngờ ông chú đã làm di chúc giả vì sang tên mà không cần bố mẹ tôi hay cô tôi mà vẫn được ạ. Xin chân thành cảm ơn luật sư.

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo thông tin bạn cung cấp thì ông bà bạn mất đi để lại 2 mảnh vườn và không có di chúc. Ở đây bạn cần xác định ai là người có quyền sử dụng đất đối với 2 mảnh vườn đó? Nó có phải là tài sản chung của ông bạn và người vợ hai không hay là tài sản riêng của ông bạn? Trường hợp mảnh vườn này là tài sản chung của ông bà bạn (ông bạn và người vợ 2), theo quy định pháp luật ông bà bạn mất đi không để lại di chúc thì di sản thừa kế của ông bà bạn sẽ được chia đều cho những người thừa kế thứ nhất, mỗi người sẽ được hưởng một phần di sản bằng nhau, bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người mất.

 

Tuy nhiên, gia đình bạn đã có văn bản thỏa thuận của các cô chú đồng ý để lại mảnh đất cho bạn sử dụng lo hương hỏa cho tổ tiên và đã được chứng thực tại Ủy ban nhân dân xã thì bạn cần xác định văn bản này có đầy đủ chữ ký của những người thừa kế hay không? (bao gồm con của bà vợ đầu và con của bà vợ hai). Trường hợp văn bản có đầy đủ chữ ký của đồng thừa kế thì văn bản này được xác định là văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế của gia đình bạn và có hiệu lực pháp luật. Theo đó, bạn có thể làm thủ tục sang tên trên GCNQSDĐ từ tên ông bạn sang tên bạn như nội dung các bên đã thỏa thuận. Trường hợp nhà chú bạn không đưa sổ đỏ cho bạn để làm thủ tục sang tên trên GCN thì bạn có thể liên hệ đến chính quyền địa phương (ủy ban nhân dân xã, công an xã…) để được hỗ trợ và yêu cầu nhà chú bạn cung cấp GCN để bạn hoàn tất thủ tục đăng ký biến động đất đai. Trường hợp đã yêu cầu chú bạn đưa sổ đỏ cho gia đình bạn nhưng chú bạn báo mất thì gia đình bạn có thể làm hồ sơ xin cấp lại GCN tại Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện. Hồ sơ bao gồm:

 

+ Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận theo Mẫu số 10/ĐK;

 

+ Giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc đã niêm yết thông báo mất giấy trong thời gian 15 ngày đối với hộ gia đình và cá nhân; giấy tờ chứng minh đã đăng tin 03 lần trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương về việc mất Giấy chứng nhận đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, cá nhân nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư; trường hợp mất Giấy chứng nhận do thiên tai, hỏa hoạn phải có giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc thiên tai, hỏa hoạn đó.

 

- Liên quan đến việc bà vợ hai của ông nội bạn có vườn riêng và con của bà đã làm giấy tờ sang tên cho mình và nay sang tên cho con cái họ mà bố mẹ bạn và cô con bà đầu không hay biết thì bạn cần xác định mảnh vườn nay là tài sản chung của ông bà bạn hay là tài sản riêng của người vợ hai?

 

+ Trường hợp đây là tài sản riêng của người vợ hai (được tặng cho, thừa kế riêng, hình thành trước thời kỳ hôn nhân...) thì toàn bộ quyền sử dụng đất được xác định là di sản thừa kế của người vợ 2. Khi đó việc phân chia di sản được áp dụng theo Điều 676 Bộ luật dân sự 2005 như sau:

 

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

 

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

 

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

 

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

 

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

 

Như vậy,  khi bà vợ 2 mất thì những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bà vợ 2 có quyền hưởng phần di sản thừa kế, mỗi người được hưởng một phần di sản bằng nhau. Còn những người con của bà vợ đầu (gia đình bạn và cô bạn) sẽ không được hưởng phần di sản này và cũng không có quyền yêu cầu những người thừa kế phân chia di sản cho mình trừ trường hợp các con của bà vợ đầu chứng minh được có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng bà vợ 2 như mẹ con theo Điều 679 Bộ luật dân sự 2005 thì có quyền yêu cầu được phân chia di sản thừa kês như những người con của bà vợ 2. Khi gia đình bạn chứng minh được quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng với bà vợ 2 và chú bạn tự ý sang tên sổ đỏ cho con của mình mà không có sự đồng ý của gia đình bạn thì gia đình bạn có quyền nộp đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất để yêu cầu phân chia di sản thừa kế.

 

Nếu gia đình bạn nghi ngờ chú bạn làm giả di chúc để được sang tên trên GCN thì gia đình bạn có thể gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an để xác minh làm rõ.

 

+ Trường hợp mảnh vườn là tài sản chung của ông bà bạn thì theo nguyên tắc ½ giá trị mảnh vườn thuộc quyền sử dụng của ông bạn, ½ giá trị mảnh vườn còn lại thuộc quyền sử dụng của bà vợ hai. Khi đó, di sản thừa kế sẽ được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông bà bạn. Người thừa kế ở đây được xác định bao gồm các con của ông bà bạn (con của bà vợ đầu và con của bà vợ hai). Nếu chú bạn tự ý sang tên trên GCN mà không có sự đồng ý của những người thừa kế còn lại thì gia đình bạn có thể làm đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có bất động sản để yêu cầu phân chia di sản thừa kế.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng 

Phòng Luật sư tư vấn Luật Dân sự - Công ty Luật Minh Gia.

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo