Cà Thị Phương

Phân chia di sản theo quy định của pháp luật?

Luật sư tư vấn về trường hợp bố mẹ có tài sản là một căn nhà rộng, khi chết không để lại di chúc phân chia di sản, giờ các con muốn giữ lại ngôi nhà này để làm nhà thờ nhưng hiện đang có tranh chấp. Cụ thể như sau:

 

Nội dung tư vấn: Ba mẹ tôi có 9 người con. Trong đó, 3 người con trai (Gồm: anh 3 (đã mất gần 1 năm), anh 4 (bệnh đã mất gần 2 năm) và anh 6 của tôi) và 6 người con gái (trong đó có tôi). Ba mẹ tôi có 1 căn nhà rộng lớn 3 gian, diện tích hơn 300 mét vuông, nằm ngay mặt tiền khu đô thị sầm uất. Tất cả 9 người con (9 anh em tôi) đều có cơ ngơi nhà cửa đầy đủ. Cách nay 8 năm, ba và mẹ tôi lần lượt qua đời. Lúc ba mẹ tôi còn sống không có làm di chúc người thừa kế căn nhà. Lúc bấy giờ, anh 3 tôi ở riêng, thấy vậy mấy anh em để anh 3 tôi trở về ở để giữ căn nhà của ba mẹ tôi, nhằm để giữ làm nhà thờ. Nhưng không may, anh 3 tôi về ở được vài năm thì lại qua đời cách nay gần 1 năm. Bây giờ chị 3 tôi (tức là Chị dâu tôi) định chuyển quyền sử dụng căn nhà đó cho chính chị 3 đứng tên. Mấy anh em chúng tôi không đồng ý. Vì trên tư tưởng của chị 3 tôi, sau khi chuyển được quyền sử dụng căn nhà của ba mẹ tôi thì chị 3 tôi sẽ bán đi (Vì chị 3 tôi hiện nay cũng có 4 con của anh chị 3, và chúng nó cũng đã có nhà cửa và nghề nghiệp đầy đủ). Khoảng gần 1 tháng nay, anh em chúng tôi họp lại thỏa thuận, thì người chị 3 (Chị dâu) đồng ý sẽ bù tiền chi trả cho mấy anh em còn lại mỗi người khoảng hơn 180 triệu. (Vì tính căn nhà đó trị giá là 1,8 tỷ đồng, theo giá của gia đình đề nghị). Mấy anh em chúng tôi thấy ở đây có sự tính toán nào đó của người chị dâu. Tất nhiên mấy anh em đồng ý, thì xem như căn nhà này sau khi chi trả cho 8 anh em chúng tôi, nó sẽ được bán tiếp chứ không còn là nhà thờ nữa. (Vì bản thân bà chị 3 cũng đã có căn nhà riêng). Giá trị căn nhà nầy trên thực tế theo giá thị trường gấp 3-4 lần 1,8 tỷ. (Giá 1,8 tỷ là để lại cho anh em nào mua lại ở và giữ làm nhà thờ). Khi mọi người đề nghị để anh 6 tôi đứng tên mua, thì chị 3 tôi lại không đồng ý, cho rằng anh chị 3 đã có hộ khẩu trong nhà. (Hai anh chị 3 tôi đã tranh thủ nhập hộ khẩu về lúc 3 tôi mới mất). Mấy chị em chúng tôi, ai cũng đồng ý để cho anh 6 tôi mua mà giữ căn nhà này làm nhà thờ. Chỉ có chị 3 tôi là không đồng ý. Cho tôi xin hỏi: Thứ nhất: Chúng tôi muốn anh thứ 6 của tôi được mua và ở giữ tiếp căn nhà để làm nhà thờ thì phải làm sao? Vậy bằng cách nào anh thứ 6 của tôi được chuyển quyền sử dụng chính thức. (Anh thứ 6 không có tên trong hộ khẩu, trong hộ khẩu hiện nay chỉ có anh chị 3 tôi có tên trong hộ khẩu của ba mẹ tôi). Thứ hai: Nếu chị 3 tôi không đồng ý để anh 6 tôi mua 1,8 tỷ. Như vậy thì hướng giải quyết thế nào để anh 6 tôi được mua và giữ lại căn nhà đó làm nhà thờ. Thứ ba: Nếu anh em chúng tôi đồng ý để chị 3 tôi mua giá 1,8 tỷ. Đồng thời yêu cầu chị 3 tôi ký cam kết không được quyền bán sau khi được chuyển quyền sử dụng, mà chỉ để sử dụng làm nhà thờ. Vậy tờ giấy cam kết nầy có giá trị mang tính pháp lý hay không?

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn chị đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của chị chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo như thông tin chị đưa ra thì cách đây 8 năm bố mẹ chị lần lượt qua đời, anh 3 (đã mất gần 1 năm), anh 4 (bệnh đã mất gần 2 năm), do đó có thể hiểu rằng khi bố mẹ chị mất thì tất cả các người con đều còn sống. Bố mẹ chị mất mà không có di chúc thì di sản của bố mẹ sẽ được chia thừa kế theo pháp luật. Theo đó, những người thừa kế thuộc hàng thứ nhất bao gồm vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Nói cách khác thì cả 9 người con sẽ đều được chia mỗi người một phần bằng nhau hoặc các bên có thỏa thuận khác. Theo như thông tin thì các anh em trong gia đình để anh 3 trở về ở để giữ căn nhà của bố mẹ, nhằm để giữ làm nhà thờ. Tuy nhiên gia đình đã làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế tại văn phòng công chứng hay chưa? Hiện nay thì anh 3, anh 4 đã mất thì phần di sản mà hai anh nhận được từ bố mẹ sẽ được chia cho những người thừa kế hợp pháp của anh 3 và anh 4 là vợ và con của hai người. Như vậy thì lúc này nếu muốn để anh 6 sử dụng, quản lý, giữ ngôi nhà để làm nhà thờ thì những người thừa kế hợp pháp đối với căn nhà cần phải làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế và cùng thống nhất giao cho anh 6 đứng tên và quản lý căn nhà. Nếu tất cả những người thừa kế đồng ý để chị 3 mua giá 1,8 tỷ đồng thời yêu cầu chị 3 ký cam kết không được quyền bán sau khi được chuyển quyền sử dụng, mà chỉ để sử dụng làm nhà thờ thì cam kết này vẫn có giá trị pháp lý vì đây là sự thỏa thuận và thống nhất của các bên. Quy định về giao dịch dân sự có điều kiện được quy định tại Điều 120 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:

 

Điều 120. Giao dịch dân sự có điều kiện

 

1. Trường hợp các bên có thỏa thuận về điều kiện phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự thì khi điều kiện đó xảy ra, giao dịch dân sự phát sinh hoặc hủy bỏ.

 

2. Trường hợp điều kiện làm phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự không thể xảy ra được do hành vi cố ý cản trở trực tiếp hoặc gián tiếp của một bên thì coi như điều kiện đó đã xảy ra; trường hợp có sự tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của một bên cố ý thúc đẩy cho điều kiện xảy ra thì coi như điều kiện đó không xảy ra.

 

Nếu các bên vẫn không thỏa thuận được về vấn đề phân chia di sản thừa kế thì có thể khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền đề nghị giải quyết tranh chấp phân chia di sản thừa kế.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề chị hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, chị vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !
CV tư vấn: Nguyễn Hoa - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo