Luật gia Nguyễn Nhung

Phải làm thế nào để giữ lại đất là di sản thừa kế?

Ba em thì khi sinh ra 3 người con tụi em rồi bỏ đi 22 năm gia đình em không biết 1 chút tin tức gì hết. Bây giờ ba em quay về và đòi chia và bán đất đó nhưng nhà em không ai đồng ý cả. Vậy nhờ anh/chị tư vấn cho em là bây giờ theo luật thừa kế đất đó được chia như thế nào? và làm cách nào để Ba em không bán được một phần đất nào hết ạ. Nội dung tư vấn như sau:

 

Bà nội em đứng quyền chủ sở hữu đất, hiện nội đã mất. Trong sổ hộ khẩu nhà em gồm: Bà nội, Ba em, Cô ruột, anh trai, em và em gái em đến mẹ em là vợ chính thức của Ba em. Ba em thì khi sinh ra 3 người con tụi em rồi bỏ đi 22 năm gia đình em không biết 1 chút tin tức gì hết. Cô em không lấy chồng ở vậy nuôi bà nội và 2 anh em. Mẹ em thì vì cuộc sống khó khăn nên phải bồng em út trong nhà về bên ngoại sống và (cắt hộ khẩu em gái của em về ngoại ở đi học còn em và anh 2 sống với cô đến bây giờ. Bây giờ Ba em quay về và đòi chia và bán đất đó nhưng nhà em không ai đồng ý cả. Vậy nhờ anh/chị tư vấn cho em là bây giờ theo luật thừa kế đất đó được chia như thế nào? và làm cách nào để Ba em không bán được một phần đất nào hết ạ. Nhà em rất muốn giữ mảnh đất này ạ. Em mong sẽ sớm được anh/ chị trả lời giúp em. Em xin chân thành cảm ơn công ty nhiều lắm ạ!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi có quan điểm tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, xác định quyền thừa kế của bố bạn

 

Luật hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng của con cái với cha, mẹ như sau:

 

“Điều 71. Nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng

2. Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.”

 

“Điều 111. Nghĩa vụ cấp dưỡng của con đối với cha, mẹ

 

Con đã thành niên không sống chung với cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha, mẹ trong trường hợp cha, mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.”

 

Điều 621 Bộ luật dân sự 2015 quy định về người không có quyền hưởng di sản như sau:

 

“Điều 621. Người không được quyền hưởng di sản

 

1. Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:

b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;…

 

2. Những người quy định tại khoản 1 Điều này vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.”

 

Hậu quả nghiêm trọng ở đây có thể hiểu là hành vi từ chối hoặc trốn tránh chăm sóc, cấp dưỡng khiến người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe như ốm đau, bệnh tật…Nếu việc bố bạn bỏ đi suốt 22 năm trốn tránh nghĩa vụ chăm sóc bà và nghĩa vụ cấp dưỡng khi bà không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình gây hậu quả nghiêm trọng và bà cũng không để lại di sản cho bố bạn trong di chúc thì bố bạn có thể sẽ không được hưởng di sản, khi di sản được chia cũng không có phần của ông.

 

Thứ hai, về vấn đề chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật hiện hành

 

Bạn không đề cập đến việc bà nội bạn có để lại di chúc hay không nên có thể chia làm 2 trường hợp:

 

Nếu người để lại di sản có di chúc hợp pháp thì di sản được phân chia theo di chúc.

 

Nếu không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp thì di sản sẽ được chia theo pháp luật. Cụ thể là chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết (Điều 651 Bộ luật dân sự 2015).

 

Bạn không cung cấp thông tin về ông nội bạn nên chúng tôi có nhận định như sau: Nếu hai ông bà đã ly hôn hoặc ông mất sau bà thì ông sẽ không được hưởng di sản thừa kế và ngược lại ông sẽ được hưởng di sản nếu còn sống và chưa ly hôn với bà. Trong trường hợp ông mất trước bà thì bố bạn và cô bạn là con của người mất trước sẽ được hưởng phần di sản mà nếu còn sống ông sẽ được hưởng, phần di sản này được chia đều cho 2 người (nếu có).

 

Thứ ba, về vấn đề hạn chế phân chia di sản thừa kế

 

Trong trường hợp bố bạn không được hưởng di sản thì vấn đề phân chia di sản thừa kế thuộc quyền định đoạt của những người thừa kế khác là cô bạn và ông nội bạn (nếu có), lúc này bố bạn không có quyền yêu cầu phân chia di sản.

 

Nếu bố bạn là người được hưởng di sản có yêu cầu phân chia nhưng người thừa kế khác- cô bạn không đồng ý, Bộ luật dân sự 2015 quy định về trường hợp hạn chế phân chia di sản như sau:

 

“Điều 661. Hạn chế phân chia di sản

 

Trường hợp theo ý chí của người lập di chúc hoặc theo thỏa thuận của tất cả những người thừa kế, di sản chỉ được phân chia sau một thời hạn nhất định thì chỉ khi đã hết thời hạn đó di sản mới được đem chia.”

 

Nếu bố bạn nhất quyết đòi chia di sản để bán thì việc phân chia này chỉ có thể bị hạn chế nếu bà nội bạn có để lại di chúc hạn chế phân chia trong một thời hạn nhất định.

 

Nếu không thuộc trường hợp hạn chế phân chia di sản, gia đình bạn có thể giữ lại mảnh đất bằng cách thỏa thuận mua lại phần di sản này theo quy định của Bộ luật dân sự như sau:

 

“Điều 660. Phân chia di sản theo pháp luật

2. Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật; nếu không thỏa thuận được thì hiện vật được bán để chia.”

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Hà Diệu Nhung - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo