Nguyễn Thị Tuyết Nhung

Tư vấn trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản thuê

Chào luật sư! Tôi có 1 số thắc mắc xin luật sư giải đáp dùm. Trong 1 lần lái xe 4 chỗ chở khách, (do ông chủ xe A thuê xe của ông B cho tôi chạy chở khách của ông A).

 

Khoảng hơn 2h sáng tôi gặp tai nạn xe va vào dãy phân cách giữa đường và xe bị lật 2 vòng, xe bị hư hại cũng khá nhiều (nhưng người thì an toàn, không bị thương) và chi phí sửa chữa là 180 triệu (phần này do bảo hiểm thân xe lo hết), mỗi tháng tôi đưa 6 triệu và chủ xe A đưa 3 triệu cho chủ xe B đến khi nào xe sửa xong (khoảng 4-5 tháng). Tôi đưa được 2 tháng rồi, giờ tôi nghe ânh bạn nói là tôi chỉ chạy thuê cho ông A thôi thì tôi không phải đóng phần chi phí 6 triệu hàng tháng đó.Xin hỏi luật sư trường hợp của tôi pháp luật sẽ giải quyết như thế nào? Nếu tôi không đóng 6 triệu hàng tháng nữa! Nếu pháp luật xử lý sẽ như thế nào? Tôi hiện tại đang chạy xe tháng cho tư nhân 1 tháng 6 triệu. Tôi đã ly dị vợ và có hai con trai, cháu lớn 14 tuổi sống với mẹ, cháu nhỏ 32 tháng sống với tôi Tôi đang sống cùng với mẹ ruột của mình.Mong quý luật sư tư vấn cho tôi hiểu thêm và thực hiện như thế nào cho hợp pháp. Tôi chân thành cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 
Tại Điều 479 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Nghĩa vụ bảo quản tài sản thuê như sau:

 

"1. Bên thuê phải bảo quản tài sản thuê, phải bảo dưỡng và sửa chữa nhỏ; nếu làm mất, hư hỏng thì phải bồi thường.

 

Bên thuê không chịu trách nhiệm về những hao mòn tự nhiên do sử dụng tài sản thuê.”

 

Như vậy, trường hợp ông A thuê xe của ông B mà trong thời gian thuê chiếc xe bị hư hỏng nên đối chiếu với quy định trên thì ông A (bên thuê) phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản thuê này.

 

Còn việc giữa bạn với ông A thì cần xác định giữa hai bên có ký hợp đồng thuê lái xe hay không, trường hợp có hợp đồng thuê lái xe thì cần phải kiểm tra nội dung của hợp đồng đó để biết được trách nhiệm của người lái xe như thế nào trong những trường hợp gây tai nạn, thiệt hại,... Nếu hợp đồng có thể hiện những nội dung đó thì bạn sẽ có trách nhiệm tương ứng. Trường hợp không thể hiện nội dung đó hoặc hai bên không ký hợp đồng, thỏa thuận gì khác thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại căn cứ theo quy định chung của pháp luật dân sự. Cụ thể, tại Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:

 

"Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

 

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

 

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

...

Điều 585. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại

 

1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

 

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

..."

Như vậy, trường hợp bạn với ông A không có hợp đồng hay thỏa thuận gì về chế độ chịu trách nhiệm thì khi bạn gây thiệt hại về tài sản của ông B bạn sẽ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông B. Việc giao nhận tiền bồi thường này 3 bên có thể thỏa thuận với nhau.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến Tổng đài luật sư tư vấn luật trực tuyến - 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !

CV Quách Văn Toản - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo