Nguyễn Thị Tuyết Nhung

Ô tô bị xe máy đâm, người đi xe máy chết thì người đi ô tô có phải bồi thường không?

Pháp luật quy định như thế nào về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng? Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại? Thiệt hại do tài sản, sức khoẻ, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm những khoản nào? Thời hạn hưởng bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm?

1. Tư vấn bồi thường thiệt hại khi gây tai nạn giao thông

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một trong những trách nhiệm dân sự, được áp dụng với những người có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại cho người khác. Đồng thời, bồi thường thiệt hại là quan hệ phát sinh từ hậu quả của hành vi trái pháp luật xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản của các cá nhân, pháp nhân hoặc của các chủ thể khác. Ngoài mục đích buộc bên vi phạm phải chịu trách nhiệm hành vi vi phạm của mình gây ra thì quy định về trách nhiệm bồi thường còn có ý nghĩa ngăn ngừa, phòng chống các hành vi vi phạm.

Để xác định thiệt hại thực tế xảy ra, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại và nguyên tắc bồi thường thiệt hại thì các bên phải tìm hiểu kỹ quy định của Bộ luật dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong trường hợp bạn cần hỗ trợ các quy định về bồi thường thiệt hại thì bạn có thể gửi câu hỏi đến Luật Minh Gia để được chúng tôi hỗ trợ.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.  

2. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại được pháp luật quy định cụ thể như thế nào?

Nội dung tư vấn:

Chào luatminhgia.vn. Tôi có đỗ xe bánh xe cách lề khoảng 20 cm. Tôi đang ngồi trong xe, vẫn thắt dây an toàn, có tín hiệu xi nhan tấp lề và xe đã dừng hẳn khoảng 3 phút. Nơi tôi đỗ xe, phần đường bên trong có 2 làn xe: ô tô + xe máy và làn xe máy, không có biển cấm dừng, cấm đỗ. Từ phía sau, có người đàn ông trên 50 tuổi, đi xe 2 bánh Wave Alpha tông vào, trong trạng thái khá say, nồng nặc mùi rượu bia, tạm gọi ông A. Sau cú va chạm, làm móp (làm đồng 500.000) và trầy cản sau trái (sơn 1.000.000), trầy vè trái phía sau (sơn lại 500.000), bể đèn sau trái (2.200.000) + đèn cốp (1.400.000), bể gương chiếu hậu trái (4.300.000). Tổng thiệt hại: 9.900.000 đồng (Giá sau khi xe tôi đã đi sửa chữa, xe tôi không có bảo hiểm vật chất). Khi xảy ra tai nạn, tôi có gọi cho 1 garage thì được biết giá sửa chữa khoảng 4.500.000 đến 5.000.000. Vì khi đó, tôi chưa phát hiện cái kính chiếu hậu bị bể nên chỉ báo cho ông A giá khoảng 4.5 đến 5 triệu. Nhưng ông A không chịu bồi thường và đề nghị công an can thiệp. Từ 15h30 tôi báo công an nhưng mãi đến 17h45 mới đến. CA bảo tôi trình bày sự việc. Sau khi tôi trình bày, thì CA bảo: nhìn ổng xem, có đủ khả năng bồi thường hay không, nếu ổng không bồi thường, thì chỉ có cách kiện ra tòa, mất thời gian lui tới và kiện tụng, chưa kể tôi phải trả phí giam xe, mỗi ngày 180.000 (ít nhất 7 ngày trở lên). Sau khi nêu hết các lý do, CA hỏi tôi: tính thế nào, cho ổng đi hay lập biên bản đem xe về. Tôi thấy tiền giam xe cũng khá nhiều, mất thời gian kiện tụng, nên đành cho đi và CA cũng cho đi. Sau đây, tôi xin hỏi:

- Ông A có bồi thường cho tôi hay không, nếu ông không có khả năng chi trả thì con cái có phải chi trả không?

- Nếu giả sử tôi khởi kiện và thắng kiện thì phí kiện tụng ai trả, phí giam xe ai trả. Nếu tôi thua kiện thì sao (vì xe lớn luôn thua xe nhỏ)?

- Giả sử ổng chết vì mất máu thì tôi có phải chịu trách nhiệm không?

- CA không cho tôi giữ xe và giữ người vậy khi xảy ra tại nạn với xe máy, xe máy có quyền đi khỏi hiện trường? Tôi lấy gì để giữ lại hiện trường. Luật pháp VN, tôi thấy có gì đó thiếu sót và bất công quá. Nếu đổi ngược lại, tôi va chạm xe ông A, làm xe ông A hư và bị chảy máu tay chân, thì liệu tôi có được đi không?

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia. Với vấn đề của bạn, chúng tôi xin đưa ra tư vấn như sau:

Thứ nhất, về việc bồi thường thiệt hại.

Điều 589 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:

“1. Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.

2. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.

3. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.

4. Thiệt hại khác do luật quy định.”

Ông A va chạm với ô tô của bạn khiến xe của bạn bị hư hại và mất chi phí sửa chữa là căn cứ để bạn yêu cầu ông A bồi thường thiệt hại về tài sản.

Theo thông tin bạn cung cấp, chi phí sửa chữa ô tô của bạn bao gồm làm móp (làm đồng 500.000) và trầy cản sau trái (sơn 1.000.000), trầy vè trái phía sau (sơn lại 500.000), bể đèn sau trái (2.200.000) + đèn cốp (1.400.000), bể gương chiếu hậu trái (4.300.000), tổng thiệt hại: 9.900.000 đồng. Trường hợp các chi phí này là hợp lý, hoàn toàn phục vụ việc sửa chữa xe do hậu quả tai nạn gây ra, ông A phải bồi thường số tiền tương ứng là 9.900.000. Ngoài ra, nếu bạn và ông A có thỏa thuận khác về số tiền bồi thường thì căn cứ theo thỏa thuận của hai bên để xác định trách nhiệm bồi thường của ông A.

Thứ hai, về án phí, phí giam xe.

Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về Nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm như sau:

1. Đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí sơ thẩm.

2. Bị đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận.

3. Nguyên đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn không được Tòa án chấp nhận.

...”

Khi bạn khởi kiện ông A ra Tòa án yêu cầu bồi thường thiệt hại, bạn phải nộp tạm ứng án phí sơ thẩm. Sau quá trình giải quyết vụ án, người chịu án phí sẽ tùy thuộc vào việc bạn và ông A có thỏa thuận, yêu cầu của bạn được Tòa án chấp nhận hoàn toàn hay một phần, ông A có yêu cầu phản tố và được chấp nhận,... theo quy định trên.

Với chi phí giam xe, khoản 1 Điều 10 Thông tư 47/2014/TT-BCA quy định:

1. Tang vật, phương tiện bị tạm giữ do vi phạm hành chính nhưng chưa đến mức bị tịch thu được trả lại cho tổ chức, cá nhân vi phạm thì khi đến nhận lại tang vật, phương tiện, tổ chức, cá nhân vi phạm phải nộp phí lưu kho, phí bến bãi, phí bảo quản tang vật, phương tiện trong thời gian bị tạm giữ.

Không thu phí lưu kho, phí bến bãi, phí bảo quản trong thời gian tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ nếu chủ tang vật, phương tiện không có lỗi trong việc vi phạm hành chính hoặc áp dụng biện pháp tịch thu đối với tang vật, phương tiện hoặc tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản phương tiện theo quy định tại Điều 14 và Điều 15 Nghị định số 115/2013/NĐ-CP.”

Trường hợp Công an xác nhận bạn không có lỗi trong vụ tai nạn hoặc không có hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ, bạn sẽ không phải trả phí giam xe. Tuy nhiên, nếu bạn có hành vi vi phạm pháp luật hoặc có lỗi, dù cố ý hay vô ý trong tai nạn giao thông, bạn sẽ phải chịu chi phí giam xe.

Thứ ba, về trách nhiệm khi người gây tai nạn chết.

Trường hợp xác định bạn có lỗi trong tai nạn này hoặc có hành vi vi phạm pháp luật dẫn đến việc người gây tai nạn mất máu mà chết, bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

Trường hợp Cơ quan Công an kết luận bạn không có lỗi, không có hành vi vi phạm luật an toàn giao thông, bạn vẫn có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tính mạng của người chết theo quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015:

“1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;

b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

…”

Bạn có thể thỏa thuận với gia đình nạn nhân về các chi phí, số tiền bồi thường cụ thể. Trường hợp không thỏa thuận được, Tòa án sẽ quyết định dựa trên thiệt hại về tài sản, tính mạng, lỗi của các bên trong tai nạn,... để xác định mức bồi thường.

Thứ tư, về việc giữ xe và giữ người tại hiện trường.

Điều 10 Quyết định 18/2007/QĐ-BCA quy định về Tạm giữ phương tiện giao thông và người điều khiển phương tiện giao thông có liên quan:

“1. Tạm giữ phương tiện giao thông có liên quan:

a) Khi vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra, các phương tiện giao thông có liên quan đều phải được tạm giữ để phục vụ công tác khám nghiệm, điều tra giải quyết (trừ các phương tiện giao thông ưu tiên theo quy định). Việc tạm giữ phương tiện giao thông phải được lập biên bản, ghi rõ tình trạng phương tiện bị tạm giữ;

b) Trường hợp vụ tai nạn giao thông đường bộ có dấu hiệu tội phạm thì đơn vị Cảnh sát giao thông tạm giữ phương tiện có trách nhiệm bàn giao phương tiện bị tạm giữ cùng với hồ sơ vụ án cho đơn vị điều tra tội phạm về trật tự xã hội có thẩm quyền;

2. Tạm giữ người điều khiển phương tiện giao thông:

- Việc tạm giữ người điều khiển phương tiện giao thông được thực hiện theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính hiện hành.

- Khi tạm giữ người, cần thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người bị tạm giữ.”

Như vậy, khi có tai nạn giao thông, Cơ quan Công an sẽ thu thập thông tin về hiện trường, có trách nhiệm lập biên bản và thực hiện tạm giữ người gây tai nạn, phương tiện giao thông nếu có dấu hiệu tội phạm, vi phạm luật giao thông đường bộ.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo