Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Những hợp đồng nào bắt buộc phải công chứng chứng thực

Quy định về các loại hợp đồng yêu cầu cần công chứng, chứng thực và quy định chung về giá trị pháp lý của từng loại hợp đồng, nội dung cụ thể như sau:

Theo quy định hiện hành của pháp luật, thì những hợp đồng dưới đây bắt buộc phải được cơ quan có thẩm quyền công chứng, chứng thực:

+   Hợp đồng mua bán nhà ở, trừ trường hợp bên bán nhà ở là tổ chức có chức năng kinh doanh nhà ở (theo quy định tại Điều 450 của Bộ luật Dân sự năm 2005 và điểm b, khoản 3, Điều 93 của Luật Nhà ở năm 2005);

+   Hợp đồng tặng cho nhà ở hoặc bất động sản khác phải đăng ký quyền sở hữu, trừ bên tặng cho nhà ở là tổ chức (theo quy định tại khoản 1, Điều 467 của Bộ luật Dân sự năm 2005; điểm d, khoản 3, Điều 93 của Luật Nhà ở năm 2005);

+   Hợp đồng thuê nhà ở từ 6 tháng trở lên, trừ trường hợp thuê nhà công vụ, thuê mua nhà ở xã hội và bên cho thuê nhà ở là tổ chức có chức năng kinh doanh nhà ở (theo quy định tại Điều 492 của Bộ luật Dân sự năm 2005; điểm b và c, khoản 3, Điều 93 của Luật Nhà ở năm 2005; khoản 4, Điều 62, Nghị định số 90/2006/NĐ-CP ngày 06-9-2006 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở);

Lưu ý đối với Hợp đồng thuê nhà ở: Để thực hiện mục tiêu đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp, ngày 10/12/2010, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 52/NQ-CP và nêu rõ tại ý a) điểm 28 Mục III (các thủ tục hành chính lĩnh vực bổ trợ tư pháp) trong Phụ lục đính kèm như sau: Bãi bỏ quy định bắt buộc công chứng một số hợp đồng, trong đó có hợp đồng thuê nhà ở.

Quy định này được khẳng định trong Thông báo số 63/TP-CPCP của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ về lộ trình thực thi phương án đơn giản hóa bãi bỏ yêu cầu bắt buộc công chứng hợp đồng về nhà ở và quyền sử dụng đất. Tại Điều 1 của thông báo nêu rõ: tiếp tục thực thi phương án bãi bỏ yêu cầu bắt buộc công chứng đối với các hợp đồng… cho thuê nhà ở… theo Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 10/12/2010 của Chính phủ.

Như vậy, hiện nay, hợp đồng cho thuê nhà ở, không phụ thuộc vào thời hạn thuê là bao lâu đều không bắt buộc phải công chứng. Bạn có thể tự lập hợp đồng cho thuê nhà ở theo thỏa thuận với bên thuê mà không phải công chứng hợp đồng đó. Nhưng để đảm bảo tính chặt chẽ của hợp đồng cũng như đảm bảo tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của các bên thì bạn vẫn có thể tự nguyện yêu cầu công chứng hợp đồng này.

+   Hợp đồng đổi, cho mượn, cho ở nhờ, uỷ quyền quản lý nhà ở; theo quy định tại khoản 3, Điều 93 của Luật Nhà ở năm 2005;

+   Hợp đồng thế chấp nhà ở (theo quy định tại khoản 3, Điều 93 của Luật Nhà ở năm 2005)

+   Hợp đồng chuyển đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng đất (theo quy định tại khoản 1, Điều 689 của Bộ luật Dân sự năm 2005; điểm b, khoản 1, Điều 126; điểm b, khoản 1, Điều 127 của Luật Đất đai năm 2003);

+   Hợp đồng thuê quyền sử dụng đất (theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 128 của Luật Đất đai năm 2003);

+   Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất (theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 129 của Luật Đất đai năm 2003);

+   Hợp đồng thế chấp (bảo lãnh) bằng quyền sử dụng đất (theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 130 của Luật Đất đai năm 2003);

+   Hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất (theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 131 của Luật Đất đai năm 2003);

+   Việc sửa đổi các hợp đồng đã được công chứng, chứng thực (theo quy định tại khoản 2, Điều 423 của Bộ luật Dân sự năm 2005).

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo