Vũ Thanh Thủy

Nhập khẩu về gia đình của vợ có được chuyển về hộ khẩu cũ

Xin chào luật sư! Tôi có một vấn đề liên quan đến nhập khẩu xin được luật sư tư vấn: Tôi có được giấy chuyển khẩu để chuyển khẩu vào hộ khẩu của gia đình bên vợ ở một tỉnh khác.

 

Nhưng khi làm thủ tục nhập khẩu tại địa phương bên gia đình vợ do địa chỉ nơi chuyển đến bị sai sót, nên công an xã địa phương bên gia đình vợ yêu cầu phải sửa lại, tuy nhiên công an xã địa phương vẫn ghi thông tin của tôi vào sổ hộ khẩu của gia đình bên vợ, chưa ghi đăng ký vào sổ KT3.Tôi đã dùng sổ hộ khẩu đó để xin cấp CMND và đã được cấp CMND. Hiện tại giấy chuyển khẩu mà công an xã địa phương yêu cầu sửa lại, tôi vẫn chưa nộp lại cho công an xã địa phương đó. Nay tôi không muốn đăng ký vào sổ KT3 theo khẩu bên gia đình vợ nữa mà giữ nguyên hộ khẩu thường trú trước đây của tôi. Vậy xin hỏi tôi phải làm thủ tục gì, liệu công an xã có xóa thông tin đã ghi trên sổ hộ khẩu của gia đình vợ tôi không? CMND tôi được cấp theo thông tin ghi trên sổ hộ khẩu của gia đình bên vợ có bị hủy không ạ? Tôi xin trân thành cảm ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Đăng ký tạm trú là việc công dân đăng ký nơi tạm trú của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký tạm trú, cấp sổ tạm trú cho họ. Sổ KT3 là sổ tạm trú dài hạn tại một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung Ương khác với nơi đăng ký thường trú. Ngược lại, đăng ký thường trú là việc công dân đăng ký nơi thường trú của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký thường trú, cấp sổ hộ khẩu cho họ.

 

Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn đã nhập hộ khẩu vào gia đình nhà vợ và dùng sổ hộ khẩu này để được cấp chứng minh thư nhân dân mới, nhưng chưa ghi đăng ký vào sổ KT3. Giả sử, sổ KT3 của bạn và sổ hộ khẩu hiện tại của bạn cùng ở một nơi, khi được nhập khẩu vào hộ khẩu gia đình nhà vợ thì sổ KT3 được cấp cho bạn sẽ bị hủy.

 

Về vấn đề giấy chuyển khẩu ghi sai thông tin địa chỉ nơi bạn chuyển đến nhưng cơ quan đăng ký vẫn giải quyết linh hoạt cho phép bạn nhập khẩu và yêu cầu bạn sửa nộp lại giấy tờ trên, nhưng sau đó bạn không nộp lại, trường hợp này cần phải làm rõ bạn đã bị xóa đăng ký thường trú hay chưa? Căn cứ theo điểm đ khoản 1 Điều 22 Luật Cư trú năm 2013 quy định về vấn đề xóa đăng ký thường trú:

 

“Đã đăng ký thường trú ở nơi cư trú mới; trong trường hợp này, cơ quan đã làm thủ tục đăng ký thường trú cho công dân ở nơi cư trú mới có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ quan đã cấp giấy chuyển hộ khẩu để xóa đăng ký thường trú ở nơi cư trú cũ.”

 

Theo quy định trên, khi cơ quan đăng ký hộ tịch đã đăng ký thường trú cho bạn vào sổ hộ khẩu gia đình bên vợ, sẽ có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ quan nơi đăng ký thường trú ban đầu của bạn để xóa đăng ký thường trú.

 

Do đó, nếu bạn đã bị xóa đăng ký thường trú và đã được nhập khẩu tại nơi ở mới mà hiện tại muốn giữ nguyên đăng ký trước đây nữa thì bạn sẽ phải làm lại thủ tục đăng ký hộ khẩu thường trú mới như trước đây bạn đã thực hiện.

 

Về vấn đề cấp đổi CMND khi thay đổi hộ khẩu, theo bạn trình bày bạn đã dùng sổ hộ khẩu mới để xin cấp giấy chứng minh thư nhân dân thì trường hợp này việc cấp đổi là hoàn toàn hợp pháp và giấy chứng minh thư nhân dân của bạn sẽ không bị hủy nếu như việc xin cấp giấy chứng minh thư nhân dân được thực hiện đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật.

 

Nếu bạn muốn chứng minh thư nhân dân ghi địa chỉ thường trú cũ của bạn chứ không phải địa chỉ thường trú mới được cấp thì bạn phải làm thủ tục đổi lại chứng minh thư nhân dân sau khi đã làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú Theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 05/1999/NĐ-CP của Chính phủ về Chứng minh nhân dân được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 170/2007/NĐ-CP và Nghị định số 106/2013/NĐ-CP, những trường hợp sau đây công dân phải làm thủ tục đổi Chứng minh nhân dân:

 

“a) Chứng minh nhân dân hết thời hạn sử dụng;

b) Chứng minh nhân dân hư hỏng không sử dụng được;

c) Thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh;

d) Thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

e) Thay đổi đặc điểm nhận dạng.

Công dân được cấp đổi Chứng minh nhân dân phải nộp lệ phí theo quy định.”

 

Để được đổi CMND, cá nhân chuyển hộ khẩu thường trú cần liên hệ và nộp hồ sơ tại Công an cấp huyện hoặc Công an tỉnh Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội để được giải quyết.

 

Hồ sơ gồm:

– Sổ hộ khẩu.

– Đơn đề nghị cấp CMND (mẫu CM3), có ảnh đóng dấu giáp lai và xác nhận của Công an phường, xã, thị trấn.

– 02 ảnh 3×4 thực hiện tại Cơ quan công an.

– In vân tay hai ngón trỏ (thực hiện tại Cơ quan công an);

– Nộp lại Chứng minh nhân dân cũ.

 

Kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ và làm xong thủ tục trên đây, cơ quan công an sẽ cấp cho bạn Chứng minh nhân dân mới trong thời gian sớm nhất, tối đa không quá 15 ngày.

 

Với trường hợp của bạn, nếu bạn muốn giữ nguyên hộ khẩu thường trú trước đây của bạn trong chứng minh thư nhân dân thì bạn sẽ phải làm thủ tục cấp đổi chứng minh thư nhân dân do rơi vào trường hợp: “Thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;” theo quy định nêu trên.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Chồng nhập hộ khẩu vào gia đình vợ có được không?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

P.luật sư tư vấn dân sự - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo