Nguyễn Thị Tuyết Nhung

Nhận cầm cố có phải đăng ký kinh doanh không?

Luật sư tư vấn về trường hợp người nhận cầm cố không có đăng ký kinh doanh và trường hợp tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Nội dung tư vấn như sau:

Nội dung tư vấn: Kính gửi công ty LUẬT MINH GIA, gia đình tôi có gặp 1 sự việc liên quan đến Pháp Luật, do kiến thức hạn chế nên tôi cảm thấy nhiều bối rối. Kính mong cty, giải thích và giải đáp những điều tôi muốn tìm hiểu sau đây, tôi xin chân thành cảm ơn. 

 

Với luật sư, tôi không hề giấu, khoảng tháng 12 năm 2018, vợ của tôi làm cắt tóc gội đầu ở chợ có nhận cầm cố, nói thật lòng là cầm cố 1 chiếc xe đạp điện của 1 thanh niên. Nhà tôi không có giấy phép kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Khi cầm cố vợ tôi có hỏi người thanh niên kia là xe của ai? Người thanh niên ấy nói là: chị yên tâm, xe của em. Sau đó vợ tôi đưa cho anh ta số tiền là 2,5 triệu đồng. Nguồn gốc chiếc xe đó là: cậu thanh niên kia mượn của 1 em học sinh, sau đó mang đi cắm. Sau khi người nhà của em học sinh kia trình báo cơ quan công an thì cậu thanh niên kia bỏ trốn khỏi địa phương.       

 

Về mối quan hệ giữa vợ tôi và cậu thanh niên đó chỉ là quen biết bình thường. Không biết nhà ở đâu. Sau khi cậu thanh niên đó bỏ trốn, vợ tôi mang chiếc xe đó bán cho 1 người chuyên sửa xe máy điện với giá 2,5 triệu. Anh ta lại bán cho người khác với giá 4 triệu. Hôm nay cơ quan công an tìm được người thanh niên cắm xe, tìm được chiếc xe và người sửa xe điện. Vợ tôi được triệu tập đến để làm bản tường trình và báo cáo. Vợ tôi có khai báo rằng, không cầm cố. Chỉ là cho cậu thanh niên kia vay số tiền 2,5 triệu. Và cậu ấy để lại xe làm tin. Nhưng cậu thanh niên kia lại khai là cắm cho vợ tôi 4 triệu. Người thợ sửa xe kia cũng khai với cơ quan công an là mua của vợ tôi với giá 4 triệu. Mặc dù thực tế sự thật là 2,5 triệu.         

 

Tôi thực sự bối rối, không biết vợ của tôi có bị kết tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có không? Tại sao 2 người kia lại đồng loạt khai rằng cắm cho vợ tôi 4 triệu, và vợ tôi bán 4 triệu. Trong khi sự thật là 2,5 triệu. Liệu con số 4 triệu ấy có làm mốc giá trị tài sản để định tội nào đó không? Kính mong các luật sư giải đáp giúp tôi. 

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến Công ty Luật minh Gia. Với vấn đề của bạn, chúng tôi xin đưa ra tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về việc cầm cố tài sản.

 

Điều 309 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về cầm cố như sau:

 

Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

 

Theo thông tin bạn cung cấp, vợ bạn có nhận cầm cố 1 chiếc xe đạp điện của 1 thanh niên với số tiền 2,5 triệu đồng. Thực chất, việc cầm cố tài sản không bắt buộc bên nhận cầm cố phải có đăng ký kinh doanh, chỉ trong trường hợp gia đình bạn nhận cầm cố như một hình thức kinh doanh chuyên nghiệp thì gia đình bạn mới phải đăng ký kinh doanh.

 

Theo khoản 1 Điều 295 Bộ luật dân sự 2015 quy định về tài sản bảo đảm như sau:

 

“Tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm, trừ trường hợp cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu.”

 

Do tài sản cầm cố là 1 chiếc xe đạp điện nhưng tài sản đó lại không thuộc quyền sở hữu của thanh niên kia nên trong trường hợp này, giao dịch giữa vợ bạn và người thanh niên đó là vô hiệu. Theo khoản 2 điều 131 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

 

“2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

 

Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.”

 

Do giao dịch cầm cố tài sản giữa vợ bạn và người thanh niên và hợp đồng bán tài sản giữa vợ bạn với người thợ sửa xe đều vô hiệu nên vợ bạn có trách nhiệm hoàn trả 4 triệu đã nhận của người thợ sửa xe và thanh niên đó phải trả lại cho vợ bạn 2,5 triệu đồng, đồng thời, chiếc xe phải được trả lại cho chủ sở hữu.

 

Thứ hai, về việc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

 

Điều 323 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có như sau:

 

1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: 

 

a) Có tổ chức;

 

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

 

c) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

 

d) Thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

…”

 

Do vợ bạn chỉ nhận cầm cố chiếc xe trên với giá 2,5 triệu đồng và không biết rõ tài sản mà mình tiêu thụ là tài sản do phạm tội mà có nên đây chỉ là một giao dịch dân sự thông thường. Do đó, vợ bạn sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh trên.

 

Thứ tư, về việc người thanh niên và người thợ sửa xe đều khai số tiền là 4 triệu đồng.

 

Trong trường hợp lời khai giữa vợ bạn, người thanh niên và người thợ sửa xe có sự mâu thuẫn, bạn có thể yêu cầu đối chất giữa các bên để xác minh được bên nào cung cấp thông tin không chính xác. Như đã phân tích ở trên, không đủ căn cứ xác định vợ bạn tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có nên số tiền 4 triệu được người thanh niên và người thợ sửa xe khai báo là căn cứ để xem xét trách nhiệm hoàn trả tài sản của các bên.

 

Trân trọng!

Phòng Luật sư tư vấn Dân sự - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo