Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Người ủy quyền có được thực hiện công việc sau khi đã ủy quyền cho người khác không?

Kính chào công ty luật Minh Gia!Tôi có thắc mắc về nội dung ủy quyền, rất mong nhận được giải đáp của quý công ty. Đó là: Người ủy quyền có được thực hiện công việc đã ủy quyền?Nếu người ủy quyền được (hay không được) thực hiện công việc đã ủy quyền thì căn cứ vào điều khoản nào của luật.Tôi rất mong sớm nhận được câu trả lời của quý công ty. Tôi xin chân thành cám ơn!

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Điều 562 Bộ luật dân sự 2015 quy định về hợp đồng ủy quyền như sau:

 

“Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”

 

Như vậy, căn cứ theo quy định này của pháp luật thì bản chất của hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận của các bên, theo hợp đồng bên được ủy quyền có quyền thay mặt bên ủy quyền thực hiện một số công việc nhất định khi bên ủy quyền không thể tự mình thực hiện. Căn cứ theo quy định này có thể thấy bên được ủy quyền có thể thay mặt bên ủy quyền thực hiện công việc nhưng không đồng nghĩa với việc người ủy quyền không được tự mình thực hiện các công việc đó sau khi đã ủy quyền. Đồng thời, hiện nay pháp luật không có quy định về vấn đề sau khi ký kết hợp đồng ủy quyền bên ủy quyền sẽ mất quyền tự mình thực hiện công việc đã được ủy quyền.

 

Do đó, nếu trong hợp đồng ủy quyền các bên không có thỏa thuận sau khi ký kết hợp đồng ủy quyền, bên ủy quyền không được thực hiện công việc đã ủy quyền thì bên ủy quyền vẫn có thể tự mình thực hiện được công việc đó mặc dù đã ủy quyền.

 

>> Tư vấn thắc mắc về vấn đề ủy quyền, gọi: 1900.6169

 

---------------

Có thể ủy quyền để người khác thực hiện thủ tục nhận nuôi con nuôi thay mình không?

 

Xin chào bạn!Tôi hiện đang định cư tại nước ngoài có tìm hiểu được bạn bè giới thiệu vp của luật sư.Tôi muốn nhờ phía văn phòng tư vấn giúp đỡ xem trường hợp của tôi có được không.Chồng tôi là quốc tịnh việt nhưng cư trú định cư tại CH séc muốn nhận con riêng của tôi là bé trai 5 tuổi là con nuôi. Tôi và cháu bé hiện đã sang sinh sống làm việc tại CH séc. Do thời gian về Việt Nam ngắn nên chồng tôi không tự đi làm được việc xin chứng nhận con nuôi. Có hướng nào uỷ quyền để làm xin chứng nhận quyền con nuôi được. Tôi được biết cha dượng là quyền ưu tiên.Mong sự trợ giúp từ phía vp.

 

Trả lời: Cảm ơn chị đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của chị chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo thông tin chị cung cấp, chồng chị là người Việt Nam nhưng đang định cư ở nước ngoài và có nhu cầu nhận con riêng của vợ làm con nuôi, trường hợp này được xác định là trường hợp nhận nuôi con nuôi đích danh có yếu tố nước ngoài theo quy định tại Điều 28 Luật nuôi con nuôi 2010. Đồng thời người muốn nhận con nuôi là cha dượng do đó thuộc trường hợp được ưu tiên lựa chọn gia đình thay thế khi nhận nuôi con nuôi.

 

Về thủ tục nhận nuôi con nuôi tại Khoản 3 Điều 31 Luật nuôi con nuôi 2010 quy định như sau: “3. Hồ sơ của người nhận con nuôi được lập thành 02 bộ và nộp cho Bộ Tư pháp thông qua cơ quan trung ương về nuôi con nuôi của nước nơi người nhận con nuôi thường trú; trường hợp nhận con nuôi đích danh quy định tại khoản 2 Điều 28 của Luật này thì người nhận con nuôi có thể trực tiếp nộp hồ sơ cho Bộ Tư pháp.”

 

Khoản 3 Điều 31 Luật nuôi con nuôi được hướng dẫn bởi Điều 17 Nghị định 19/2011/NĐ-CP về thủ tục nộp và tiếp nhận hồ sơ của người nhận con nuôi nước ngoài như sau:

 

“Thủ tục nộp và tiếp nhận hồ sơ của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 31 của Luật Nuôi con nuôi và quy định cụ thể sau đây:

 

1. Trường hợp nhận con nuôi đích danh, thì người nhận con nuôi trực tiếp nộp hồ sơ tại Cục Con nuôi. Trường hợp có lý do chính đáng mà không thể trực tiếp nộp hồ sơ tại Cục Con nuôi, người nhận con nuôi ủy quyền bằng văn bản cho người có quan hệ họ hàng, thân thích thường trú tại Việt Nam nộp hồ sơ tại Cục Con nuôi hoặc gửi hồ sơ cho Cục Con nuôi qua đường bưu điện theo hình thức gửi bảo đảm.

…”

 

Như vậy, chồng chị sẽ phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ nhận nuôi con nuôi và nộp hồ sơ trực tiếp tại Cục nuôi con nuôi của Việt Nam. Nếu chồng chị không thể về Việt Nam để nộp hồ sơ thì có thể ủy quyền bằng văn bản cho người có quan hệ họ hàng, thân thích thường trú tại Việt Nam nộp hồ sơ tại Cục Con nuôi hoặc gửi hồ sơ cho Cục Con nuôi qua đường bưu điện theo hình thức gửi bảo đảm.

 

Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 37 Luật Nuôi con nuôi 2010 có quy định về Quyết định cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài và việc tổ chức giao nhận con nuôi như sau:

 

“2. Ngay sau khi có quyết định cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Tư pháp thông báo cho người nhận con nuôi đến Việt Nam để nhận con nuôi. Người nhận con nuôi phải có mặt ở Việt Nam để trực tiếp nhận con nuôi trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Sở Tư pháp; trường hợp vợ chồng xin nhận con nuôi mà một trong hai người vì lý do khách quan không thể có mặt tại lễ giao nhận con nuôi thì phải có ủy quyền cho người kia; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn trên có thể kéo dài, nhưng không quá 90 ngày. Hết thời hạn nêu trên, nếu người nhận con nuôi không đến nhận con nuôi thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hủy quyết định cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài.

…”

 

Như vậy, chồng chị có thể ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ. Nhưng sau khi có quyết định cho nhận nuôi con nuôi thì chồng chị phải trực tiếp có mặt tại Việt Nam để nhận con nuôi theo quy định tại Khoản 2 ĐIều 37 đã nêu trên và không được ủy quyền cho người khác đến lễ giao nhận con nuôi thay mình.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo