LS Hoài My

Người nước ngoài muốn nhận nuôi con nuôi đích danh cần đáp ứng các điều kiện gì?

Người nước ngoài có được nhận nuôi con nuôi đích danh không? Điều kiện để được nhận nuôi con nuôi là gì? Thủ tục nhận nuôi con nuôi được pháp luật quy định như nào? Để trả lời được những câu hỏi này bạn cần tìm hiểu Luật Nuôi con nuôi năm 2010 hoặc liên hệ Luật sư tư vấn về nuôi con nuôi.

1) Luật sư tư vấn điều kiện người nước ngoài được nhận nuôi con nuôi Việt Nam.

Ở nước ta có rất nhiều trẻ em mồ côi cha mẹ từ nhỏ, không người thân, không biết cha mẹ mình là ai và với tình cảm tương thân tương ái nhà nước ta với mong muốn tìm được gia đình thay thế cho các em nhỏ, pháp luật Việt Nam đã ban hành Luật Nuôi con nuôi 2010, từ đó những cặp vợ chồng mong được nhận con nuôi chỉ cần đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật thì có thể làm thủ tục nhận con nuôi, trong đó có những cặp vợ chồng người nước ngoài cũng có mong muốn nhận con nuôi Việt Nam. Vậy người nhận con nuôi cần đáp ứng các điều kiện nào để được nhận con nuôi? Thủ tục nhận con nuôi được pháp luật quy định như nào? Đây là những câu hỏi mà những cặp vợ chồng muốn nhận con nuôi đang thắc mắc. 

Nếu bạn có thắc mắc tương tự thì hãy gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc Gọi: 1900.6169 để được tư vấn.

Hoặc bạn có thể tham khảo tình huống mà Luật Minh Gia đã tư vấn sau đây:

2) Điều kiện người nước ngoài nhận nuôi con nuôi đích danh theo quy định pháp luật.

Câu hỏi tư vấn: Chào quý anh, chị của văn phòng luật Minh Gia. Chúng tôi mong nhận được sự tư vấn cặn kẽ cùa quý văn phòng về việc xin nhận con nuôi đích danh tại Việt Nam. Tôi và vợ tôi mang quốc tịch Đức, đang sống và làm việc tại Đức. Chị gái của vợ tôi đã qua đời sau một căn bệnh hiểm nghèo để lại hai đứa con trai 2 tuổi và 4 tuổi. Chúng tôi có nguyện vọng nhận một cháu làm con nuôi và đã được sự đồng thuận của gia đình bố đẻ cháu. Hồ sơ đã được chính quyền Đức xét duyệt và chấp thuận. Sau khi hồ sơ hoàn thành và chuyển về Việt Nam, cơ quan nhà nước có thẩm quyền bác đơn với lý do "Không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của Việt Nam". Theo suy luận đơn giản của chúng tôi và chính quyền Đức thì đứa bé không có huyết thống trực hệ từ hai phía. Gia đình chúng tôi rất bối rối trong vấn đề này. Vậy kính mong Văn phòng nghiên cứu và tư vấn xem chúng tôi phải làm thế nào để có thể đón cháu sang sống với chúng tôi. Xin chân thành cảm ơn!

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi lời đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Với thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Căn cứ áp dụng và giải quyết trường hợp bạn hỏi theo quy định của Luật Nuôi con nuôi 2010 để giải quyết vụ việc này như sau:

Điều 28 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định Các trường hợp nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài:

1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước cùng là thành viên của điều ước quốc tế về nuôi con nuôi với Việt Nam nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi.

2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài được nhận con nuôi đích danh trong các trường hợp sau đây:

a) Là cha dượng, mẹ kế của người được nhận làm con nuôi;

b) Là cô, cậu, dì, chú, bác ruột của người được nhận làm con nuôi;

c) Có con nuôi là anh, chị, em ruột của trẻ em được nhận làm con nuôi;

d) Nhận trẻ em khuyết tật, nhiễm HIV/AIDS hoặc mắc bệnh hiểm nghèo khác làm con nuôi;

đ) Là người nước ngoài đang làm việc, học tập ở Việt Nam trong thời gian ít nhất là 01 năm". 

Và khoản 1 Điều 29 quy định Điều kiện đối với người nhận con nuôi:

“1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài nhận người Việt Nam làm con nuôi phải có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật nước nơi người đó thường trú và quy định tại Điều 14 của Luật này”.

Theo đó, xét trong trường hợp của bạn, vợ chồng bạn là người nước ngoài thường trú ở nước ngoài muốn nhận con nuôi đích danh (vợ bạn là dì ruột của người được nhận làm con nuôi) cần đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật nước Đức và quy định tại Điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010 đó là:

+ Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

+ Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;

+ Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;

+ Có tư cách đạo đức tốt.

Ngoài ra, Điều 13 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định Các hành vi bị cấm khi muốn nhận nuôi con nuôi:

“1. Lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; bắt cóc, mua bán trẻ em.

2. Giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi.

3. Phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi.

4. Lợi dụng việc cho con nuôi để vi phạm pháp luật về dân số.

5. Lợi dụng việc làm con nuôi của thương binh, người có công với cách mạng, người thuộc dân tộc thiểu số để hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước.

6. Ông, bà nhận cháu làm con nuôi hoặc anh, chị, em nhận nhau làm con nuôi.

7. Lợi dụng việc nuôi con nuôi để vi phạm pháp luật, phong tục tập quán, đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc”.

Theo đó, nếu vợ chồng bạn đáp ứng đủ các điều kiện nhận con nuôi theo quy định pháp luật của hai nước và không thuộc các trường hợp pháp luật cấm thì vợ chồng bạn hoàn toàn được nhận con nuôi Việt Nam.

Tuy nhiên, phía Sở Tư pháp không đồng ý cho vợ chồng bạn nhận con nuôi với lý do: “Không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của Việt Nam". Xét thấy lý do Sở Tư pháp đưa ra không thuộc trường hợp pháp luật cấm, trong khi bạn đủ điều kiện nhận con nuôi theo quy định pháp luật. Vì vậy, bạn cần liên hệ với Sở Tư pháp để trao đổi lại về lý do tại sao vợ chồng bạn không được nhận con nuôi, hiểu như thế nào là không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của Việt Nam, vì vợ chồng bạn hoàn toàn đủ điều kiện theo quy định pháp luật để nhận con nuôi.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo