LS Vũ Thảo

Người khác có lỗi xâm phạm sức khỏe thì bảo vệ quyền và lợi ích như thế nào?

Chào luật sư cho tôi hỏi về việc yêu cầu do va chạm giao thông như sau: Vừa qua tôi có đi xe máy thì bị một xe ô tô bất ngờ đâm qua bên trái đường làm gẫy chân phải 2 khúc đoạn ống quyển nát hết phần thịt của chân và đùi phải. Gia đình phải đưa tôi đi cấp cứu vào bệnh viện tại Thành phố G để phẫu thuật.

 

Nhờ sự quan tâm của bác sỹ nên đã lắp ghép xương và bước đầu giữ được cái chân. Qua 2 tuần điều trị theo bác sỹ tư vấn trước mắt phải vá da. Phần chủ xe ô tô liên lạc đến thăm hỏi động viên. Hiện nay chiếc xe ô tô con gây tai nạn, xe máy của tôi bị hư hỏng nặng đều đang bị công an huyện tạm giữ. Với tư cách người bị hại tôi phải làm gì? Theo bác sỹ thì sau khi xuất viện còn phải thực hiện nhiều cuộc phẫu thuật nữa và kéo dài đến 1-2 năm mới xong (nếu như không bị cắt do nhiễm trùng):

1. Khởi kiện ra tòa

2. Giải quyết tình huống thỏa thuận thì những chi phí như: Tổn thất sức khỏe, kinh phí phẫu thuật nhiều lần, điều trị dài ngày, tôi là chủ chốt trong gia đình không lao động được, vợ con phải chăm sóc ….không thể tính tóan tại thời điểm thỏa thuận. Vậy lấy gì để chế tài cho đúng pháp luật đối với người gây hại.

 

Trả lời:

 

Chào bạn, cám ơn bạn đã gửi câu hỏi tới Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

 

“1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

 

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

 

3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.”

 

Theo thông tin bạn cung cấp, người điều khiển xe ô tô bất ngờ đâm qua bên trái đường làm gãy chân phải và nát xương của bạn. Sau đó bạn phải tiến hành lắp ghép xương thực hiện nhiều cuộc phẫu thuật nữa và kéo dài đến 1-2 năm. Như vậy, người điều khiển ô tô có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sức khỏe, tài sản bị xâm phạm cho bạn.

 

Điều 589 Bộ luật dân sự 2015 quy định Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:

 

“1. Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.

 

2. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.

 

3. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.

 

4. Thiệt hại khác do luật quy định.”

 

Và Điều 590 Bộ luật dân sự 2015 quy định Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

 

“1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

 

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

 

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

 

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

 

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

 

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”

 

Như vậy, người điều khiển ô tô gây ra thiệt hại cho bạn phải có trách nhiệm bồi thường cho bạn thiệt hại về tài sản, sức khỏe bị xâm hại và khoản tiền bù đắp tổn thất tinh thần bạn gánh chịu. Nếu các bên không thể thỏa thuận được các khoản bồi thường này thì có quyền khởi kiện ra Tòa.

 

Điều 186 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định quyền khởi kiện vụ án:

 

“Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.”

 

Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm thì có thể tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện ra Tòa. Đối chiếu với trường hợp của bạn, nếu hành vi của người điều khiển xe ô tô gây ra thiệt hại tài sản, sức khỏe cho bạn mà các bên không thể tự thỏa thuận chi phí bồi thường được thì bạn có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp để gửi đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú để yêu cầu giải quyết căn cứ vào các quy định trên.

 

Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Người khác có lỗi xâm phạm sức khỏe thì bảo vệ quyền và lợi ích như thế nào? . Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV Trần Hiên – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo