Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Nghĩa vụ nộp tiền án phí - lệ phí của đương sự thế nào?

Lệ phí, án phí dân sự là gì? Trường hợp nào các đương sự phải nộp lệ phí, án phí? Quy định cụ thể về mức án phí, lệ phí theo pháp luật hiện hành? Nếu các bên không nộp tiền án phí, lệ phí cho Toà án thì xử lý như thế nào?

1. Luật sư tư vấn quy định về án phí, lệ phí của đương sự

Án phí dân sự là khoản tiền mà đương sự phải nộp vào ngân sách nhà nước khi Toà án giải quyết vụ án dân sự và được thi hành khi bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật. Còn lệ phí có thể hiểu là số tiền mà đương sự, người yêu cầu phải nộp khi yêu cầu Toà án cấp giấy tờ hoặc giải quyết việc dân sự. Án phí, lệ phí có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội. Công tác xét xử, thi hành án trong những năm gần đây cho thấy nhiều trường hợp việc kiện là vô căn cứ. Trong nhiều vụ việc dân sự, nguyên đơn được triệu tập nhiều lần để hoà giải hoặc cung cấp thông tin nhưng nếu vắng mặt không có lý do chính đáng thì Toà án phải ra quyết định tạm hoãn, dẫn đến việc thi hành một số vụ án dân sự về khoản tiền phạt hay bồi thường thiệt hại gặp khó khăn, gây phí tổn không cần thiết cho Toà án cũng như các đương sự khác. Do đó, nếu có một chế độ án phí, lệ phí hợp lý thì tình hình trên sẽ được hạn chế.

Pháp luật hiện hành đã có quy định rõ ràng về mức án phí, lệ phí các đương sự phải nộp, tuy nhiên không phải trường hợp nào các bên cũng nắm rõ những mức án phí, lệ phí này. Trường hợp bạn gặp khó khăn trong việc xác định mức án phí, lệ phí mình phải nộp là bao nhiêu thì bạn có thể liên hệ đến Luật Minh Gia bằng hình thức gửi câu hỏi qua email hoặc gọi Hotline1900.6169 để được chúng tôi hỗ trợ.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn dưới đây về nghĩa vụ nộp tiền án phí, lệ phí của đương sự.

2. Nghĩa vụ nộp tiền án phí, lệ phí của đương sự quy định cụ thể như thế nào?

Câu hỏi: Thưa luật sư gia đình tôi là nguyên đơn trong vụ án tranh chấp tài sản. Đơn khởi kiện đã được Toà án thụ lý chờ ngày xét xử.  Nay gia đình rất muốn biết các quy định của Nhà nước về án phí và lệ phí.

Chúng tôi mong Luật sư giải thích những quy định của pháp luật về vấn đề nộp án phí dân sự và các khoản lệ phí mà gia đình phải nộp trong quá trình giải quyết vụ án. Trong trường hợp nào nguyên đơn phải nộp và trường hợp nào bị đơn phải nộp?

Chân thành cảm ơn ls.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Các quy định của nhà nước về án phí và lệ phí được quy định tại Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 về án phí, lệ phí tòa án.

- Nghĩa vụ nộp Tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí:

Theo quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự về nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí, tạm  ứng lệ phí thì:

"1. Nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án dân sự phải nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm, người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí.

2. Người nộp đơn yêu cầu Toà án giải quyết việc dân sự phải nộp tiền tạm ứng lệ phí giải quyết việc dân sự đó, trừ trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng lệ phí".

Như vậy, gia đình bạn với tư cách là nguyên đơn thì sẽ phải nộp tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí.

- Mức đóng tiền tạm ứng án phí được quy định tại Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 về về mức thu án phí, lệ phí Tòa án, tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án; nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án ... quy định như sau:

Điều 9. Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, án phí, lệ phí Tòa án

Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải nộp tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, án phí, lệ phí Tòa án, trừ trường hợp không phải nộp hoặc được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, án phí, lệ phí Tòa án theo quy định của Nghị quyết này.

Tại Điều 26. Nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm quy định như sau:

1. Đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí sơ thẩm.

2. Bị đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận.

3. Nguyên đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn không được Tòa án chấp nhận.

4. Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu không được Tòa án chấp nhận. Bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu của nguyên đơn đối với bị đơn được Tòa án chấp nhận.

Tại Khoản 2 điều 27 Nghị quyết cũng quy định:

... 2. Đối với tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất thì nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm được xác định như sau:

a) Trường hợp tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất mà Tòa án không xem xét giá trị, chỉ xem xét quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất của ai thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án không có giá ngạch;

b) Trường hợp tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất mà Tòa án phải xác định giá trị của tài sản hoặc xác định quyền sở hữu quyền sử dụng đất theo phần thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như trường hợp vụ án có giá ngạch đối với phần giá trị mà mình được hưởng.

Như vậy, khi nộp đơn khởi kiện thì nguyên đơn sẽ phải có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí, sau khi giải quyết xong tranh chấp, căn cứ vào quyết định của Tòa án để xác định nghĩa vụ nộp tiền án phí của đương sự theo quy định nêu trên.

Mức án phí dân sự sơ thẩm được quy định cụ thể như sau:

 - Án phí dân sự sơ thẩm đối với vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động không có giá ngạch là 300.000 đồng

- Mức án phí sơ thẩm đối với các vụ án về tranh chấp dân sự có giá ngạch:

Giá trị tài sản có tranh chấp - Mức án phí

a) từ 6.000.000 đồng trở xuống là 300.000 đồng

b) Từ trên 6.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng là 5% giá trị tài sản có tranh chấp

c) Từ trên 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng là 20.000.000 đồng + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng

d) Từ trên 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng là 36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 800.000.000 đồng

đ) Từ trên 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng là 72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 2.000.000.000 đồng

e) Từ trên 4.000.000.000 đồng là 112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 4.000.000.000 đồng.

--------------

Câu hỏi thứ 2 - Thủ tục nộp đơn yêu cầu thi hành án dân sự

Công ty em có vụ tranh chấp về mua bán, đã được tuyên án, Em có tìm hiểu về trình tự thi hành án, nhưng vẫn còn chưa rõ lắm. Em có nhận được 2 bản án nhưng không có bản nào ghi "để thi hành". Cho em hỏi trường hợp này phải viết đơn yêu cầu thi hành án với nội dung như thế nào và bản án này có nộp kèm đơn yêu cầu thi hành án được không? Em có cần nộp luôn đơn yêu cầu xác minh điều kiện thi hành án không?Em xin chân thành cảm ơn!

Trả lời: Đối với yêu cầu hỗ trợ của anh/chị chúng tôi đã tư vấn như sau:

Hai bản án anh/chị nhận được do TAND gửi. Tuy nhiên, việc thi hành án là do cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện nơi xét xử sơ thẩm thực hiện. Do đó, khi bản án có hiệu lực mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì anh/chị có thể làm đơn gửi cơ quan thi hành án dân sự để yêu cầu thi hành bản án đó.

Thủ tục thi hành án dân sự:

+ Đơn thi hành án dân sự theo mẫu;

+ Bản án có hiệu lực pháp luật;

+ CMND của người yêu cầu thi hành án.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Nghĩa vụ nộp tiền án phí, lệ phí của đương sự. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo