Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Nghĩa vụ của người bảo lãnh vay tiền

Một người đứng ra bảo lãnh cho người khác vay vốn tại ngân hàng là tình trạng khá phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu rõ về bảo lãnh và thường hay băn khoăn về việc có phải trả nợ thay cho người đó không? Vậy bảo lãnh là gì, người bảo lãnh có nghĩa vụ như thế nào? Để giải đáp những thắc mắc trên, Công ty Luật Minh Gia sẽ cung cấp những kiến thức liên quan về vấn đề này thông qua bài viết dưới đây.

1. Bảo lãnh là gì?

    Theo khoản 7 Điều 292 Bộ luật Dân sự 2015, bảo lãnh là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Khoản 1 Điều 335 Bộ luật Dân sự hiện hành có quy định khái niệm “bảo lãnh” như sau:

“Điều 335. Bảo lãnh

1. Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

2. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.”

    Về phạm vi bảo lãnh, nghĩa vụ bảo lãnh bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại, lãi trên số tiền chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác (khoản 2 Điều 336 Bộ luật Dân sự 2015).

2. Nghĩa vụ của người bảo lãnh vay tiền

Nội dung đề nghị tư vấn: Tôi cho anh tôi mượn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thế chấp ở ngân hàng (tôi là người đứng ra bảo lãnh) nhưng đến thời gian trả nợ mà không có khả năng trả nợ và ngân hàng đang đòi phát mại tài sản. Tôi có thể khởi kiện anh ta để lấy lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được không? Và tôi phải làm như thế nào?

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

    Bộ luật Dân sự 2015 có quy định trách nhiệm dân sự của bên bảo lãnh như sau:

“Điều 342. Trách nhiệm dân sự của bên bảo lãnh

1. Trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ đó.”

    Trách nhiệm của bên bảo lãnh còn được ghi nhận tại Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, cụ thể:

“Điều 44. Thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh

1. Bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh khi nghĩa vụ được bảo lãnh bị vi phạm theo một trong các căn cứ sau đây:

a) Do bên được bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn; [...]

đ) Do bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 335 và khoản 1 Điều 339 của Bộ luật Dân sự; [...]”

    Theo đó, bạn thế chấp ngân hàng để bảo lãnh anh bạn vay tiền nên khi anh của bạn không đủ khả năng trả nợ thì ngân hàng có quyền yêu cầu bạn trả thay anh của bạn khoản tiền đó. Trường hợp bạn không thực hiện hoặc không đủ khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của mình là trả tiền cho ngân hàng thay anh của bạn thì lúc này, quyền sử dụng đất mà bạn thế chấp cho ngân hàng mới được đưa ra xử lý để thực hiện nghĩa vụ (căn cứ khoản 1 Điều 299 Bộ luật Dân sự 2015 về các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm). Như vậy, bạn nên trả tiền cho ngân hàng đúng thời hạn để tránh trường hợp ngân hàng phát mại tài sản.

    Nếu bạn đã trả xong số tiền đó thì bạn có quyền yêu cầu ngân hàng trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã thế chấp. Sau đó, bạn có quyền yêu cầu anh của bạn hoàn trả lại số tiền đó căn cứ theo Điều 340 Bộ luật Dân sự 2015: “Bên bảo lãnh có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình trong phạm vi nghĩa vụ bảo lãnh đã thực hiện, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.” Vì thế, trong trường hợp này nếu bạn có khởi kiện thì vẫn không thể đòi lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trừ trường hợp bạn đã thanh toán xong khoản nợ thay anh của bạn mà ngân hàng vẫn không trả lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bạn.

    Trân trọng!

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo